Áp lực từ các thị trường xuất khẩu và quy định quốc tế
Chia sẻ tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” diễn ra chiều 23/4, ông Deep Sen – Phó chủ tịch Tiểu ban Tài chính Bền vững (SFSC), EuroCham tại Việt Nam – cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực lớn từ các cơ quan quản lý quốc tế với hàng loạt chính sách liên quan đến ESG được áp dụng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Ông cho hay, điều đáng lo ngại là hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy móc, da giày, may mặc, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… đều nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi các chính sách mới này. Do đó, các doanh nghiệp không thể áp dụng “một công thức cho tất cả” mà cần có lộ trình chuyển đổi riêng biệt phù hợp với đặc thù từng ngành.
Theo ông Deep Sen, cũng như nhiều quốc gia khác, bên cạnh cơ hội, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề kinh tế khu vực, quốc tế, thuế quan. Không chỉ vậy, chính sách của nước lớn cũng có nhiều thay đổi lớn liên quan đến các vấn đề môi trường… Một số động thái không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại mà còn có thể làm chậm xu hướng chuyển đổi ESG toàn cầu.
Các gián đoạn thương mại cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng không bền vững. Chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi đòi hỏi sự linh hoạt trong cả chiến lược thương mại và tích hợp tính bền vững.

Ông Deep Sen – Phó chủ tịch Tiểu ban Tài chính Bền vững (SFSC), EuroCham tại Việt Nam (Ảnh: Mạnh Quân).
Đối mặt với những thách thức nêu trên, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện các cam kết về phát triển bền vững. Cụ thể, Việt Nam đã cam kết giảm thiểu khí nhà kính và ngừng nạn phá rừng trước năm 2030, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời cam kết loại bỏ dần việc sản xuất điện bằng than trước năm 2040.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa các cam kết này, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có nguồn lực hạn chế.
Tính linh hoạt: Chìa khóa cho sự thích ứng
Xuyên suốt bài trình bày của mình, ông Deep Sen liên tục nhấn mạnh rằng “tính linh hoạt” chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng thành công trong kỷ nguyên mới.
Theo ông, tính linh hoạt không đơn thuần là khả năng phản ứng nhanh với thay đổi, mà còn bao gồm khả năng chủ động đổi mới mô hình kinh doanh thay vì thụ động phản ứng với những cú sốc bên ngoài.
Doanh nghiệp cần có sự sẵn sàng thiết kế lại văn hóa tổ chức, đưa ESG vào chiến lược của công ty và đầu tư có hệ thống vào các lộ trình phi carbon hóa. Doanh nghiệp cần có khả năng thu hút thị trường tài chính để tiếp cận các nguồn vốn xanh đang ngày càng tăng, vốn đang chi phối các quyết định đầu tư và thương mại hiện nay.
Ngoài những khuyến nghị cụ thể cho doanh nghiệp, ông Deep Sen cũng đưa ra các đề xuất mang tính chiến lược cho các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Trước hết, doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình phát triển các công cụ tài chính xanh, đảm bảo các công cụ này vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Deep Sen cho rằng tính linh hoạt không đơn thuần là khả năng phản ứng nhanh với thay đổi, mà còn bao gồm khả năng chủ động đổi mới mô hình kinh doanh thay vì thụ động phản ứng với những cú sốc bên ngoài (Ảnh: Mạnh Quân).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường tính rõ ràng của chính sách và xây dựng các cơ cấu khuyến khích hiệu quả để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án bền vững.
Hơn nữa, việc tăng cường năng lực ESG của các doanh nghiệp và ngân hàng là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng các hoạt động công bố thông tin, hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro và xây dựng các khuôn khổ đánh giá hiệu suất liên quan đến tính bền vững.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại công – tư. Đồng thời, các chính sách nên cho phép điều chỉnh theo từng ngành và từng thị trường cụ thể để đạt được hiệu quả tối ưu.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, ông Deep Sen vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của Việt Nam trong việc thích ứng với các yêu cầu mới. Theo ông, Việt Nam có những lợi thế về nền tảng công nghiệp ngày càng phát triển, chính sách mở cửa tích cực với thị trường toàn cầu và nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của ESG trong cả khối doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
“Điều Việt Nam cần là một nỗ lực chung để chuyển đổi những điều kiện này thành một mô hình tăng trưởng linh hoạt, có khả năng thích ứng với tương lai”, ông Deep Sen nhấn mạnh.