Nguy cơ suy thoái kinh tế gõ cửa: 4 thứ bất ngờ sẽ chạm vào ví tiền của bạn

Nhiều người chỉ nghĩ đến những tác động tiêu cực dễ thấy như mất việc làm hay thu nhập sụt giảm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn tài chính chuyên sâu, một cuộc suy thoái còn ẩn chứa những cơ chế vận hành ngầm và có thể mang đến những tác động bất ngờ, trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của bạn và gia đình theo những cách bạn chưa từng nghĩ tới.

Hóa đơn xăng dầu: Liệu có hạ nhiệt?

Chi phí nhiên liệu leo thang đang bào mòn ví tiền của người dân. Nhưng nghịch lý là một kịch bản suy thoái lại có thể mang đến sự “dễ thở” hơn tại các trạm xăng.

Ông Marcus Sturdivant Sr., chuyên gia tư vấn và Giám đốc tuân thủ tại The ABC Squared², phân tích: “Trong thời kỳ suy thoái, hoạt động kinh tế chững lại kéo theo nhu cầu năng lượng giảm sút. Điều này thường dẫn đến tình trạng dư cung tạm thời và buộc giá nhiên liệu phải điều chỉnh giảm”.

Ông Sturdivant chỉ ra rằng ngay cả khi các yếu tố như thuế quan hay căng thẳng địa chính trị gây áp lực lên giá dầu thô, việc nhu cầu sụt giảm mạnh trong một môi trường kinh tế đi xuống có thể là yếu tố chi phối mạnh hơn.

“Nguồn cung dầu, đặc biệt từ các chiến lược tăng cường khai thác nội địa tại một số quốc gia lớn, có thể vượt cầu trong bối cảnh kinh tế chậm lại. Điều này, về lý thuyết, sẽ giúp giá bán lẻ hạ nhiệt”, ông lưu ý, dù vẫn cảnh báo về các biến số khó lường từ chính sách và xung đột toàn cầu.

Nguy cơ suy thoái kinh tế gõ cửa: 4 thứ bất ngờ sẽ chạm vào ví tiền của bạn - 1

Khi lạm phát vẫn cao, chính sách tiền tệ chưa có dấu hiệu nới lỏng và bất ổn địa chính trị leo thang, kịch bản suy thoái đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết (Minh họa: Getty).

Thị trường chứng khoán: Không đáng sợ như bạn nghĩ nếu có chiến lược đúng

Chứng khoán lao dốc là hình ảnh quen thuộc mỗi khi “bóng ma” suy thoái xuất hiện, gây hoang mang cho không ít nhà đầu tư. Tuy nhiên, William Bergmark, chuyên gia tài chính cá nhân tại Credwise, lại cho rằng đây không hẳn là tín hiệu tận thế, đặc biệt với những ai có tầm nhìn dài hạn.

“Thị trường điều chỉnh là một phần tất yếu và lành mạnh của chu kỳ kinh tế”, ông Bergmark nhấn mạnh. “Sai lầm lớn nhất của nhà đầu tư dài hạn là bán tháo trong hoảng loạn khi thị trường đi xuống. Ngược lại, đây có thể là cơ hội vàng để tích lũy những tài sản tốt với giá rẻ hơn”.

Theo ông, giữ vững tâm lý, kiên trì với chiến lược đầu tư đa dạng hóa và có thể cân nhắc giải ngân từng phần khi thị trường giảm sâu mới là cách tiếp cận khôn ngoan, thay vì cố gắng “bắt đáy” hay tháo chạy trong sợ hãi.

Chi tiêu giải trí: “Pháo đài” tương đối vững chắc?

Trong khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao ở nhiều lĩnh vực, chi tiêu cho giải trí lại thường tỏ ra khá “kiên cường” trước bão suy thoái. Ông Sturdivant lý giải: “Khi đối mặt với áp lực kinh tế, nhu cầu giải tỏa căng thẳng, tìm kiếm niềm vui đơn giản của cá nhân và gia đình thường tăng lên. Các hình thức giải trí với chi phí hợp lý sẽ được ưu tiên”.

Các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix, dù có thể điều chỉnh giá cước, vẫn là lựa chọn tiết kiệm hơn nhiều so với việc ra rạp xem phim hay tham gia các sự kiện giải trí đắt đỏ.

Thói quen giải trí tại nhà hình thành từ thời kỳ đại dịch Covid-19 càng củng cố xu hướng này. Tất nhiên, các loại hình giải trí xa xỉ sẽ chịu ảnh hưởng, nhưng nhìn chung, ngành giải trí phổ thông có khả năng chống chịu tốt hơn nhiều ngành khác.

Lời cảnh tỉnh để xây dựng kỷ luật tiết kiệm

Lý tưởng nhất là xây dựng quỹ dự phòng khi kinh tế ổn định. Nhưng thực tế phũ phàng là nhiều người chỉ thực sự nghĩ đến việc này khi “mây đen” kéo đến. Kristy Kim, CEO và nhà sáng lập TomoCredit, coi đây là thời điểm then chốt để hành động.

“Đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế, việc cấp thiết là xây dựng hoặc củng cố quỹ dự phòng khẩn cấp, đủ trang trải chi phí sinh hoạt thiết yếu trong 3-6 tháng”, bà Kim khuyên. Đây không chỉ là một khoản tiền, mà là “tấm đệm tài chính” giúp bạn chống đỡ các cú sốc bất ngờ như mất việc, giảm thu nhập hay các chi phí y tế đột xuất.

“Bắt đầu rà soát chi tiêu, cắt giảm những khoản không cần thiết và ưu tiên việc tiết kiệm ngay từ bây giờ sẽ mang lại sự an tâm và linh hoạt tài chính quý giá khi khó khăn ập đến”, bà nhấn mạnh.

Suy thoái kinh tế, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ mang đến nhiều thách thức. Nhưng hiểu rõ những tác động đa chiều, kể cả những khía cạnh bất ngờ, sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tâm thế và chiến lược ứng phó tốt hơn.

Thay vì hoang mang, hãy xem đây là cơ hội để đánh giá lại sức khỏe tài chính, điều chỉnh danh mục đầu tư và quan trọng nhất là xây dựng kỷ luật tiết kiệm bền vững – nền tảng cho sự an toàn tài chính trong mọi hoàn cảnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *