Người chơi tiền ảo Pi nản lòng sau hai tháng mở mạng



Từng hào hứng khi Pi Network tuyên bố mở mạng, nhưng nhiều người đang kêu gọi “xóa app” vì gặp khó khăn khi KYC, giá giảm, thiếu tính năng mới.



Ngày 20/2, dự án Pi Network thông báo chuyển sang giai đoạn Open Network (mở mạng), tức cho phép người chơi giao dịch ra bên ngoài thay vì nội bộ như 6 năm trước đó. Tuy nhiên, sau hai tháng, dự án đang gây tranh cãi khi giá liên tục đi xuống.


Giao diện Pi Network trên smartphone. Ảnh: Bảo Lâm

Giao diện Pi Network trên smartphone. Ảnh: Bảo Lâm

Vất vả KYC

“Tôi đào Pi những ngày đầu, nhưng vẫn chưa được xác thực danh tính – KYC”, Hải Nguyên (Quảng Trị) cho biết. “Tôi từng xóa app năm ngoái vì không KYC được, nhưng tải lại khi dự án thông báo thúc đẩy xác thực để mở mạng”.

Tuy vậy, anh Nguyên tiếp tục thất vọng. “Mục 9 hiển thị trạng thái màu cam, còn tài khoản gần 4.000 Pi không thể bán vì chưa về ví”, anh nói. “Mục 9” là bước cuối cùng trong 9 bước xác thực danh tính, khi hoàn tất có màu xanh, ở hàng đợi có màu cam và nếu bị từ chối hoặc chưa xác thực sẽ có màu xám.

Thế Huy (Bình Định) cũng từng vui mừng khi “mục 9” chuyển xanh cuối năm ngoái. Anh khai thác được hơn 3.000 Pi, trong đó 1.000 Pi ở trạng thái “có thể di chuyển”. Tuy nhiên, gần đây, mục này bất ngờ chuyển ngược về màu cam. “Tôi khá hụt hẫng và nghi ngờ cách kiểm soát KYC của đội ngũ nhà phát triển Pi Core Team”, anh nói.

Trên mạng xã hội, nhiều người phản ánh KYC là bước khó khăn nhất. “Trong khi như các dự án tiền số khác rất dễ dàng KYC với giấy tờ cá nhân và chụp ảnh khuôn mặt, việc xác thực trên Pi Network phụ thuộc may rủi”, Văn Thành, một người tham gia thị trường tiền số hơn 5 năm và cũng chơi Pi từ 2021, nhận xét. “Ngay cả khi KYC thành công, tức ‘nộp’ dữ liệu cá nhân cho nhà phát triển, bạn vẫn có thể bị xét lại, cho thấy đội ngũ phía sau can thiệp vào dự án sâu thế nào”.

Tính năng KYC mới gây tranh cãi

Đầu tháng 4, Pi Core Team công bố tính năng KYC mới qua Banxa – nền tảng hỗ trợ xác thực các dự án tiền số. Tuy nhiên, người tham gia Pi Network cần chi 5-10 USD mua Pi mới có thể sử dụng được và quá trình KYC diễn ra khoảng 5-7 phút.

“Dù KYC thành công, hai tuần rồi, Pi vẫn chưa về ví”, anh Nguyên nói. Tương tự, anh Huy cho biết đã mất tiền mua Pi để KYC qua Banxa nhưng không nhận được token nào từ dự án về ví mainnet.

Trên các hội nhóm Pi, nhiều người chỉ trích đội ngũ đứng sau thiếu minh bạch, buộc người chơi mất thêm tiền nhưng không thể bán số Pi đã khai thác. “Mỗi ngày, trên nhóm có 5-10 chủ đề kêu gọi tẩy chay, xóa app, thậm chí quay video thực hiện xóa tài khoản để phản đối Pi”, quản trị viên nhóm Pi Network có hơn 50.000 thành viên cho biết, thêm rằng anh hạn chế duyệt nội dung này vì có thể gây tiêu cực.

Ngày 17/4, Pi Network thông báo đã chuyển Pi thành công cho 12 triệu người đã KYC, đồng thời phác thảo lộ trình sắp tới dựa trên các ưu tiên của mạng, nhưng không đề cập mốc thời gian cụ thể.

Giá không như kỳ vọng

Ngoài KYC, người chơi Pi cũng “nản lòng” do giá sụt giảm. Theo thống kê từ CoinGecko, từ mức đỉnh 3 USD, giá Pi hiện còn 0,6 USD, có lúc xuống 0,4 USD mỗi đồng.

“Một tài khoản mới tham gia giờ đây có thể mất hàng tháng mới đào được một Pi. Kể cả người chơi cũ, kiếm một Pi hiện cũng rất khó khăn”, quản trị viên một nhóm Pi cho hay. “Với mức giá rẻ, cách nhanh hơn là mua Pi từ sàn giao dịch, nên người chơi không còn mặn mà vào app điểm danh”.

Trần Vĩnh (Quảng Bình) cho biết tài khoản Pi Network của anh từng tuyển được hơn 1.000 thành viên tham gia mạng lưới. Nhưng hiện chỉ còn vài chục người “điểm danh” mỗi ngày. “Họ bỏ đi do giá Pi giảm hoặc không KYC được”, anh nói.

Pi Network ra đời năm 2019, được quảng cáo giúp người tham gia sở hữu tiền ảo miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại “bấm tia sét” để điểm danh mỗi ngày. Việt Nam là một trong những thị trường có nhiều người tham gia “đào Pi”. Dự án gây tranh cãi khi gần 6 năm mới mở mạng và bị một số chuyên gia “cảnh báo đỏ”. CEO sàn Bybit Ben Zhou đánh giá Pi Network nguy hiểm hơn meme coin và cho biết không niêm yết tiền ảo này trên sàn của ông. Justin Bons, nhà sáng lập của Cyber Capital và nhà phân tích tiền số nổi tiếng, cũng công khai trên X rằng Pi Network là “trò lừa đảo” và khuyên mọi người tránh xa.

Danh tính chủ sở hữu đã thực hiện giao dịch hơn 7,5 triệu token Pi vẫn là một ẩn số.


Theo Duy Phong ([Tên nguồn])

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *