Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025, giá vàng, bạc và bạch kim được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Theo chuyên gia chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank, các yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể thêm phần mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm, thị trường kim loại quý đang bước vào giai đoạn tích lũy. Giá vàng đã đi ngang trong 12 tuần gần đây, tạo điều kiện để bạc và bạch kim tăng tốc. Với mức tăng khoảng 26% của vàng và bạc, cùng mức tăng đáng kinh ngạc 54% của bạch kim tính từ đầu năm, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu đà tăng đã kết thúc?
Theo ông Ole Hansen, câu trả lời là chưa. Các yếu tố cốt lõi từng đưa kim loại quý lên cao vẫn tồn tại. Đặc biệt, viễn cảnh lãi suất Mỹ giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng, nhất là thông qua các quỹ ETF, vì khi đó chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng sẽ giảm đi.
Ông Hansen cũng nhấn mạnh rằng, khác với trái phiếu chính phủ hay tiền pháp định, vàng và các kim loại quý mang tính trung lập chính trị và không phụ thuộc vào tín nhiệm của bất kỳ quốc gia nào. Đây chính là lý do các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng ưu tiên dự trữ vàng như một tài sản chiến lược an toàn.
Yếu tố đồng USD suy yếu cũng góp phần đẩy giá kim loại quý đi lên. Dù mức tăng mạnh nhất tính theo USD, các nhà đầu tư ở Thụy Sĩ, khu vực đồng Euro, Trung Quốc hay Ấn Độ cũng đều ghi nhận lợi nhuận đáng kể nhờ vàng.
Vàng, bạc và bạch kim được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay
Vàng đang “tạm nghỉ” hay chuẩn bị cho một cú bứt phá?
Một biểu đồ phân tích kỹ thuật cho thấy giá vàng đang dao động trong biên độ hẹp, sát ngưỡng đỉnh lịch sử gần 3.500 USD/oz. Việc thiếu đi động lực tăng mới đã làm dấy lên nguy cơ điều chỉnh sâu hơn, nhất là sau những dấu hiệu kiệt sức của bên mua.
Dù không phản ứng mạnh trước căng thẳng Israel – Iran, và bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh khiến kỳ vọng hạ lãi suất bị trì hoãn, giá vàng vẫn không giảm sâu – một dấu hiệu cho thấy lực đỡ bên dưới vẫn vững vàng.
Nhìn về nửa cuối năm 2025, ông Hansen cho rằng triển vọng giá vàng vẫn tích cực nhờ một loạt yếu tố: nhu cầu ổn định từ ngân hàng trung ương, rủi ro đình lạm tại Mỹ, bất ổn địa chính trị, căng thẳng thương mại, lo ngại tài khóa và xu hướng các quỹ tài sản quốc gia chuyển từ chứng khoán Mỹ sang kim loại hữu hình.
Về mặt kỹ thuật, các ngưỡng hỗ trợ gần nhất của vàng là 3.245 và 3.120 USD/oz, còn mức trung bình động 200 ngày hiện ở khoảng 2.945 USD. Giá vàng đã giữ trên mốc này từ tháng 10/2023 – khi còn dưới 2.000 USD – cho thấy đà tăng chưa kết thúc mà chỉ đang tạm ngưng.
Bạc có còn cơ hội bứt phá?
Với việc vượt mốc 35 USD/oz gần đây, bạc đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Theo ông Hansen, đây là kết quả của tình trạng mất cân bằng cung – cầu kéo dài từ năm 2019, khi nhu cầu hàng năm liên tục vượt nguồn cung, làm suy giảm lượng tồn kho và thắt chặt thị trường.
Ngưỡng 35 USD giờ đây đóng vai trò hỗ trợ quan trọng, và nếu giữ vững, bạc có thể tiếp tục đà tăng. So với vàng, bạc còn dư địa tăng trưởng do ngân hàng trung ương gần đây chủ yếu mua vàng, khiến tỷ lệ giá vàng/bạc (gold-silver ratio) duy trì ở mức cao – hiện gần 90, cao hơn mức trung bình 5 năm là 80.
Nếu tỷ lệ này dần thu hẹp, mức giá 40 USD/oz trong 6–12 tháng tới là hoàn toàn khả thi, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng khai thác chưa đáp ứng được cả nhu cầu công nghiệp lẫn đầu tư.
Điều gì đang thúc đẩy bạch kim trở thành ngôi sao của thị trường năm 2025?
Bạch kim đang là kim loại quý có mức tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm với 54%. Cuộc bứt phá bắt đầu khi giá vượt mốc 1.025 USD, phá vỡ xu hướng giảm kéo dài từ đỉnh lịch sử năm 2008 (khoảng 2.300 USD).
Xét về định giá, bạch kim từ lâu được cho là bị “định giá thấp” so với vàng. Tỷ lệ giá vàng – bạch kim từng đạt đỉnh lịch sử 3,6:1 vào tháng 4 nay đã thu hẹp còn khoảng 2,4:1, phản ánh sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư.
Theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới, năm 2025 sẽ là năm thứ ba liên tiếp thị trường bạch kim rơi vào trạng thái thiếu hụt cung, với chênh lệch gần 1 triệu ounce. Nhu cầu chủ yếu đến từ ngành ô tô (đặc biệt là xe hybrid và diesel), trang sức Trung Quốc và nhu cầu đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF bạch kim vẫn chưa tăng tương xứng với giá, cho thấy đợt tăng giá vừa qua có thể chỉ mới là khởi đầu nếu các yếu tố cung – cầu tiếp tục siết chặt.
Theo Kì Lân (Theo Kitco) ([Tên nguồn])