Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không mặn mà với viện trợ cho Ukraine, các chuyên gia lo ngại về tương lai của phi đội F-16 của Kiev nếu ông Trump “rút phích cắm”.
Nhà Trắng đang gấp rút viện trợ cho Ukraine trước khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở vào tháng 1. Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã công bố gói hỗ trợ trị giá 266 triệu USD để bảo trì các tiêm kích F-16 của Ukraine.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về phi đội F-16 của Ukraine, nhưng ý định được đồn đoán của ông về việc cắt giảm viện trợ cho Kiev đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với phi đội F-16 của Ukraine nếu Washington “rút phích cắm”?
Mặc dù Mỹ không trực tiếp cung cấp F-16 nhưng Washington đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo phi công Ukraine điều khiển dòng máy bay này cũng như cung cấp bảo trì.
Vì F-16 là hệ thống do Mỹ sản xuất, các đồng minh châu Âu cần sự cho phép của Washington để có thể cung cấp tiêm kích này cho Ukraine. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, chính quyền ông Trump có thể dừng ngay cả nguồn cung cấp F-16 cho châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên cạnh một tiêm kích F-16. Ảnh: AFP
Liệu châu Âu có thể bù đắp khoảng trống?
Các máy bay F-16 là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Ukraine nhằm xây dựng một lực lượng không quân hiện đại. Nếu các máy bay này không còn được sử dụng, khả năng phòng không của Ukraine có thể suy yếu, khiến quốc gia này dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc không kích của Nga.
Hà Lan và Đan Mạch là những quốc gia đầu tiên cung cấp F-16 cho Ukraine. Lô đầu tiên được gửi đến Ukraine đầu năm nay và lô máy bay thứ hai vào ngày 7-12.
Na Uy và Bỉ cũng cam kết chuyển giao F-16 từ kho dự trữ khi các nước này chuyển sang sử dụng dòng F-35 hiện đại hơn.
Phi công Ukraine đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản để lái tiêm kích F-16 tại Anh vào ngày 22-10. Ảnh: X
Theo tờ Kyiv Independent, nếu Mỹ ngừng mọi hỗ trợ bảo trì F-16, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu có thể bù đắp bằng cách cung cấp thêm nguồn lực tài chính để duy trì và sửa chữa máy bay.
“Người châu Âu có thể thay thế vai trò của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine nếu họ thực sự muốn, nhưng cần có sự chấp thuận của Mỹ để thực hiện việc chuyển giao vũ khí hoặc linh kiện từ các quốc gia thứ ba theo quy định quốc tế” – ông Peter Layton, một cựu sĩ quan Không quân Úc và là nhà nghiên cứu tại Viện Royal United Services (RUSI, trụ sở Anh), nhận định.
Ngược lại, chuyên gia này lưu ý rằng nếu chính quyền ông Trump rút lại sự cho phép sử dụng F-16, Mỹ có thể ngừng mọi hỗ trợ cho Ukraine liên quan đến máy bay này trong tương lai. “Trong trường hợp đó, tình hình sẽ rất khó khăn” – ông Layton nói thêm.
Còn theo ông Justin Bronk, cũng là nhà nghiên cứu tại RUSI, một vấn đề khác là các nước châu Âu có nguồn nhân lực hạn chế cho việc huấn luyện và bảo trì F-16.
“Không giống Mỹ, châu Âu không có nhiều nhân lực sẵn sàng cho công tác bảo trì F-16, vì phần lớn nhân viên đã được chuyển sang quản lý và bảo dưỡng các máy bay F-35 mới” – vị chuyên gia nêu quan điểm.
Chuyên gia Layton cho rằng nếu muốn hỗ trợ Ukraine, các quốc gia châu Âu sẽ phải điều chuyển nhân lực từ các máy bay F-35 để quay lại làm việc với F-16 cũ. “Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành và duy trì đội máy bay F-35 của châu Âu” – theo ông Layton.
Tác động đến tình hình trên tiền tuyến
Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra rằng F-16 không phải là vũ khí thần kỳ vì với số lượng hiện tại, tiêm kích này không đủ để đảm bảo ưu thế trên không cho Ukraine. Tuy nhiên, đây vẫn là tài sản quý giá giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Tiêm kích F-16 được sử dụng cho cả nhiệm vụ tấn công lẫn phòng thủ.
Những chiếc F-16 đầu tiên được chuyển giao cho Ukraine bay tại một địa điểm không xác định hôm 4-8. Ảnh: GETTY IMAGES
Ukraine đã triển khai các máy bay này để đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trong các cuộc không kích của Nga. F-16 cũng được sử dụng để phóng tên lửa và ném bom vào các vị trí của quân Nga dọc theo tiền tuyến.
“Nếu loại bỏ F-16 khỏi phương trình hiện tại, bạn có thể sẽ không thấy những thay đổi đáng kể trong khả năng phòng thủ của Ukraine trong ngắn hạn” – ông Bronk nói.
Theo ông Bronk, các phi công Ukraine vẫn đang nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu trong việc làm quen với F-16, phương pháp tác chiến và phong cách vận hành khác biệt. Điều này đặc biệt thể hiện qua cách các phi công sử dụng và quản lý hệ thống radar, có thể kể đến vụ tai nạn của một chiếc F-16 ở Ukraine trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vào tháng 8.
“Việc chuyển các phi công giàu kinh nghiệm sang vận hành F-16 để thực hiện các nhiệm vụ như đánh chặn UAV Shahed hoặc tên lửa hành trình của Nga vào ban đêm cũng gặp nhiều thách thức” – ông Bronk nói, lưu ý rằng quy trình vận hành của F-16 rất khác so với các máy bay chiến đấu khác mà Ukraine đã sử dụng quen thuộc như MiG-29 hoặc Su-27.
Dù vậy, trong trung hạn, Ukraine có thể sẽ gặp “sự suy giảm đáng kể” trong nỗ lực xây dựng lực lượng Không quân nếu F-16 bị rút khỏi chiến trường, ông Bronk cảnh báo.
Các chuyên gia gợi ý rằng Ukraine có thể cân nhắc các giải pháp thay thế, chẳng hạn máy bay Mirage 2000 của Pháp hoặc máy bay Gripen của Thụy Điển.
Ukraine dự kiến nhận được ba chiếc Mirage vào đầu năm 2025 trong khi việc Stockholm chuyển giao Gripen cho Kiev chưa được phê duyệt.
Ông Bronk lưu ý rằng máy bay Mirage 2000 không phải lựa chọn phù hợp cho nhu cầu phòng thủ của Ukraine, do hạn chế về khả năng sử dụng tên lửa dẫn đường bằng radar. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang một loại máy bay mới sẽ tiêu tốn thêm nhiều thời gian và công sức, khiến Ukraine lỡ mất những cơ hội quý giá trong cuộc chiến.