Khánh thành khu tái định cư Làng Nủ



Sáng 22/12, tỉnh Lào Cai khánh thành ba khu tái định cư Làng Nủ, huyện Bảo Yên và Nậm Tông, Kho Vàng ở huyện Bắc Hà, những nơi chịu nhiều mất mát trong bão Yagi.



Khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Đường dẫn vào làng được đổ bêtông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96 m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.

Người dân Làng Nủ từ chiều qua đã tất bật chuẩn bị trước lễ khánh thành. Một số gia đình làm lễ cúng vào nhà mới theo phong tục người Tày với mong ước cuộc sống đủ đầy, vượt mọi tai ương. Những khóm cúc vàng trước nhà, bên các lối đi dọc đường được trồng hơn chục ngày bắt đầu bén rễ; lớp học được trang trí, kê bàn ghế ngay ngắn đón học sinh về.

Khu tái định cư Nậm Tông và Kho Vàng được khởi công xây dựng cuối tháng 9. Nâm Tông có 15 ngôi nhà mới được dựng, diện tích mỗi căn khoảng 110 m2 cùng một số công trình phụ trợ như nhà văn hóa, điểm trường, hệ thống điện nước. Kho Vàng có 35 căn nhà mới, mỗi nhà rộng 60 m2, ngoài ra còn công trình phụ trợ, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống người dân.

Đến dự lễ khánh thành khu tái định cư Làng Nủ, Thủ tướng nhắc lại chiều 12/9 khi cùng đoàn công tác vào Làng Nủ đã chỉ đạo chính quyền tỉnh Lào Cai và các bộ ngành mau chóng thực hiện 7 nhóm giải pháp để khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân. Trong số này có nhiệm vụ tái thiết xong cả ba khu tái định cư trước ngày 31/12, theo tinh thần không để người dân nào thiếu chỗ ở, học sinh thiếu trường lớp.

Thủ tướng thăm hỏi người dân thôn Làng Nủ trong lễ khánh thành khu tái định cư, sáng 22/12. Ảnh: Hoàng Việt

Thủ tướng thăm hỏi người dân thôn Làng Nủ trong lễ khánh thành khu tái định cư, sáng 22/12. Ảnh: Hoàng Việt

Hôm nay trở lại thấy các gia đình vào nhà mới, trường lớp, đường giao thông, viễn thông đã hoàn chỉnh, Thủ tướng “trộm nghĩ về 6 điều ý nghĩa”. Đó là tinh thần đại đoàn kết – điểm tựa để cả nước vượt qua mọi khó khăn; tình thương người, nghĩa đồng bào được phát huy cao độ; tương ái nhau lúc hoạn nạn; thực hiện đường lối của Đảng không hy sinh công bằng tiến bộ xã hội, an sinh để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; thể hiện quyết tâm của các cấp ngành, chỉ đạo của Chính phủ đã nói là làm nhằm đảm bảo cho người dân được an cư, các cháu được học hành; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

“Điều ý nghĩa cuối cùng không gì là không thể, chúng ta đã biến cái không thể thành có thể với tinh thần sự sống nảy sinh từ cái chết”, ông nói.

Thủ tướng cảm ơn các cấp ngành, đơn vị quân đội nỗ lực tái thiết để bà con ba ngôi làng sớm có nơi ở trước năm mới. Việc thi công vượt mốc được giao, khánh thành đúng ngày kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhưng an cư rồi thì phải lạc nghiệp, bà con có nhà mới cũng cần công ăn việc làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập. Thủ tướng gợi ý chính quyền từ nay đến 31/12/2025 nghiên cứu đầu tư hoàn thiện Làng Nủ, tạo sinh kế cho người dân. Có hai phương án là làm hồ đập để tạo cảnh quan sinh thái và nuôi trồng thủy sản hoặc khôi phục con suối Làng Nủ lẫn diện tích canh tác.

Ông nghiêng về phương án đầu, bởi xây dựng hồ đập đầu tư nhiều hơn nhưng căn cơ và hiệu quả, nhất là nuôi trồng thủy sản trên hồ. Trước thềm năm mới, Thủ tướng “chúc toàn thể bà con ba ngôi làng ấm no về vật chất lẫn tinh thần để thôn kiểu mẫu, làng hạnh phúc”.

Những căn nhà sàn ở Làng Nủ được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Tày. Ảnh: Hoàng Việt

Những căn nhà sàn ở Làng Nủ được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Tày. Ảnh: Hoàng Việt

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 – đơn vị được giao tái thiết hai thôn Làng Nủ và Nậm Tông, nói bộ đội Trường Sơn đã xây dựng hàng nghìn dự án từ Bắc chí Nam nhưng đây là công trình mang lại cảm xúc nhất. Công trình là nơi an cư mới góp phần san sẻ nỗi đau với bà con sau cơn bão. Ở đây, mỗi ngôi nhà, vách tường, mét đường đều chứa đựng tấm lòng và lễ khánh thành đúng ngày 22/12 cho thấy tình cảm, trách nhiệm của bộ đội với bà con, “ở đâu nhân dân cần, ở đó có bộ đội”.

Tướng Ngọc cho hay ngay khi nhận nhiệm vụ, đơn vị xác định đây là dự án trọng điểm, cấp bách nên tập trung với tinh thần khẩn trương nhất. Hai tháng qua thực sự là thử thách khi thời gian đầu thi công mưa gió, đường vào sạt lở khó chuyển vật liệu, thiết kế thi công phải đảm bảo phong tục tập quán của bà con.

Song với tinh thần quân không thiếu một người của Bộ đội Trường Sơn, đơn vị tổ chức ba ca bốn kíp thi công. Sau 68 ngày, hai khu tái định cư Làng Nủ và Nậm Tông với 55 ngôi nhà, hai điểm trường, hai nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở hạ tầng đã hoàn tất. Đến ngày 15/12, đơn vị đã giao chìa khóa, đón những người dân đầu tiên vào nhà mới.

“Mong bà con về nhà mới, bản làng mới sẽ luôn đoàn kết yêu thương nhau, giữ gìn bản sắc dân tộc, để sau này mỗi lần có dịp ghé thăm, bộ đội Trường Sơn cảm giác như được về lại nhà”, ông nói.

Một góc Làng Nủ chiều tối 21/12, một ngày trước lễ khánh thành. Ảnh: Hoàng Việt

Một góc Làng Nủ chiều tối 21/12, một ngày trước lễ khánh thành. Ảnh: Hoàng Việt

Làng Nủ nằm dưới chân núi Voi – đỉnh cao nhất 1.033 m thuộc hệ thống núi chạy dài từ Lào Cai sang Yên Bái. Ngôi làng người Tày 167 hộ dân với 760 nhân khẩu định cư lâu đời trong thung lũng, canh tác một năm hai vụ lúa, trồng ngô, sắn. Thảm họa lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện mất tích.

Đại diện 3 hộ dân tại khu tái định cư Làng Nủ đã gửi đơn đến xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) để nhường nhà cho những gia đình có hoàn cảnh…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *