Kể từ đầu năm, đồng Euro đã có màn trình diễn ấn tượng khi tăng hơn 10% so với đồng bạc xanh, chạm mốc 1,1369 USD đổi 1 EUR vào ngày 14/4. Đà tăng phi mã này diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư quốc tế ngày càng tỏ ra e ngại trước các chính sách thuế quan cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là mức thuế lên tới 145% nhắm vào hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên làn sóng “tháo chạy” khỏi đồng USD.
Giới chuyên gia nhận định, sức mạnh của Euro không chỉ đến từ sự suy yếu của USD mà còn phản ánh niềm tin vào khả năng phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đồng Euro khi tăng hơn 10% so với đồng bạc xanh, chạm mốc 1,1369 USD đổi 1 EUR vào đầu tuần (Ảnh: Getty).
Eurozone hồi phục và sức hấp dẫn từ chính sách tiền tệ
Sau giai đoạn suy thoái nhẹ năm 2023, nền kinh tế Eurozone đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc với mức tăng trưởng 0,8% năm ngoái và dự báo đạt 1,3% năm nay. Tuy nhiên, nguy cơ Mỹ áp thuế 20% lên hàng hóa EU vẫn là một yếu tố rủi ro tiềm ẩn.
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt nhiều bất ổn và châu Âu được kỳ vọng phục hồi, dòng vốn quốc tế đang có xu hướng dịch chuyển. Các nhà đầu tư đang tích cực chuyển từ nắm giữ USD sang các tài sản bằng Euro như cổ phiếu và trái phiếu, tạo thêm lực đẩy cho đồng tiền chung.
Sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng góp phần không nhỏ vào đà tăng của Euro. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng, cắt giảm lãi suất, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì lập trường “diều hâu” (ưu tiên thắt chặt để chống lạm phát) nhằm đối phó với lạm phát dai dẳng tại một số quốc gia thành viên. Lãi suất USD thấp hơn khiến việc nắm giữ đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn, thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến Euro với lợi suất cao hơn.
“Ông Trump đang làm xói mòn niềm tin vào sự hợp lý trong chính sách của Mỹ, triển vọng tăng trưởng dài hạn và tính bền vững tài khóa của nước này”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg, phân tích. “Hậu quả là đồng USD đang mất giá trị. Tuy vậy, đồng Euro vẫn chưa hẳn là một sự thay thế hoàn hảo”.
Ông Schmieding cũng cảnh báo nguy cơ chính sách thương mại của ông Trump có thể làm tổn thương kinh tế toàn cầu, kéo lùi tăng trưởng Eurozone và buộc ECB phải cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn dự kiến. Tổ chức Oxford Economics ước tính, nếu kịch bản thuế quan 20% của Mỹ lên hàng EU thành hiện thực, tăng trưởng Eurozone có thể bị thổi bay 0,3 điểm phần trăm trong năm nay và năm sau.
“Cú hích” từ Đức và tham vọng Eurobond
Niềm tin vào Euro còn được tiếp thêm sức mạnh từ gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 1.000 tỷ Euro (1.130 tỷ USD) trong thập kỷ tới vừa được Quốc hội Đức phê duyệt. Khoản đầu tư này tập trung vào quốc phòng, hạ tầng và chống biến đổi khí hậu, cho thấy cam kết mạnh mẽ của nền kinh tế đầu tàu Eurozone.
Việc Đức dự kiến tài trợ phần lớn gói chi tiêu này bằng cách phát hành trái phiếu mới sẽ làm tăng nguồn cung trái phiếu Đức, đẩy lợi suất lên cao và thu hút thêm dòng vốn ngoại. Ngân hàng Commerzbank dự báo nợ công của Đức có thể tăng lên 90% GDP trong 10 năm tới, điều này nghịch lý lại làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản định giá bằng Euro. “Việc chính phủ vay nợ nhiều hơn sẽ giúp thị trường trái phiếu ngắn hạn của Đức sâu hơn, thanh khoản tốt hơn và hấp dẫn hơn với nhà đầu tư”, ông Schmieding giải thích.
Goldman Sachs ước tính gói kích thích này có thể cộng thêm 1 điểm phần trăm vào GDP Đức và 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của Eurozone vào năm tới, nhờ hiệu ứng lan tỏa sang các nước láng giềng và thúc đẩy các quốc gia khác tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong bối cảnh này, ý tưởng về việc phát hành trái phiếu chung châu Âu (Eurobond) lại được khơi dậy. Rebecca Christie, chuyên gia tại viện Bruegel (Brussels), cho rằng: “Trái phiếu chung là một thế mạnh cần phát huy. Nếu tiếp nối được chương trình phục hồi sau đại dịch, nó sẽ giúp huy động vốn hiệu quả và khuyến khích thế giới tăng cường giao dịch bằng Euro”. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn vấp phải sự phản đối từ các nước phương Bắc, bao gồm cả Đức.
Đồng Euro mạnh: Lợi ích và thách thức
Một đồng Euro mạnh mang lại lợi ích tức thời cho người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu khi mua hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ hoặc các sản phẩm định giá bằng USD như dầu mỏ, khí đốt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chi phí năng lượng vẫn là gánh nặng sau cuộc chiến Nga-Ukraine. Các hãng hàng không hay quân đội châu Âu cũng hưởng lợi khi mua sắm máy bay (thường định giá bằng USD).
Tuy nhiên, đây lại là con dao hai lưỡi. “Một số nhà xuất khẩu châu Âu có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn đối với phần còn lại của thế giới”, bà Christie lưu ý.
Đức, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần một nửa GDP, là quốc gia dễ tổn thương nhất. Các mặt hàng chủ lực như ô tô, máy móc, hóa chất của Đức sẽ kém cạnh tranh hơn khi Euro lên giá, gia tăng thách thức cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn đang vật lộn với giá năng lượng cao và cạnh tranh từ Trung Quốc.
Dù có những dự báo lạc quan về khả năng Euro tiếp tục tăng giá so với USD, phần lớn các ngân hàng đầu tư lớn cho rằng tỷ giá sẽ ổn định quanh mức hiện tại. “Tình hình hiện nay cực kỳ bất định”, bà Christie kết luận. “Chưa rõ liệu đồng Euro sẽ tiếp tục hành trình đi lên hay chững lại. Nhưng hiện tại, nó vẫn đang dao động trong biên độ lịch sử”.
Sự trỗi dậy của Euro là một diễn biến đáng chú ý, phản ánh sự dịch chuyển phức tạp trên bàn cờ kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, liệu đồng tiền chung có thực sự trở thành một “vịnh tránh bão” bền vững hay chỉ là một điểm sáng tạm thời phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách kinh tế và diễn biến chính trị sắp tới ở cả hai bờ Đại Tây Dương.