Dự báo đảo chiều về nguồn cung bất động sản
Trong một sự kiện gần đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết thị trường bất động sản Việt Nam đang có những chuyển động đáng chú ý. Kinh tế đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ kéo theo sự kỳ vọng cũng như đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty bất động sản.
Tuy vậy, ông cho biết nhìn lại chặng đường đã qua, chính sách trong lĩnh vực bất động sản đôi khi chưa thực sự bắt nhịp kịp với những biến đổi của thị trường, dẫn đến không ít những hệ quả đáng tiếc.
“Chúng ta còn nhớ giai đoạn năm 2016, khi nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở đã vô tình tạo ra một nghịch lý là sự thiếu hụt dự án sau đó”, ông Nghĩa điểm lại.
Ông cũng thẳng thắn đề cập việc kiểm soát số lượng dự án, dù xuất phát từ mục tiêu tốt đẹp, nhưng đôi khi lại siết chặt quá mức, cộng hưởng với những yếu tố khác, đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm. Điều này đã đẩy giá bất động sản lên cao trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, TS. Lê Xuân Nghĩa tin rằng thị trường bất động sản đang mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng. Cụ thể, chủ trương sáp nhập tỉnh hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính mang lại kỳ vọng hình thành nên các thành phố vệ tinh hiện đại, những đô thị song sinh sầm uất. Từ đó kiến tạo nên động lực tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản.
Ông lấy ví dụ khu vực Long Thành với dự án sân bay quốc tế tầm cỡ, tiềm năng phát triển dân cư và kinh tế không chỉ dừng lại ở quy mô 500.000 dân theo quy hoạch, mà sẽ bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần, có thể đạt đến hàng triệu người.
Khu vực này sẽ không đơn thuần là đô thị vệ tinh của TPHCM mà sẽ trở thành một trung tâm kinh tế năng động, song hành cùng sự phát triển của thành phố lớn nhất cả nước, đặc biệt khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ và hiện đại.
Chuyên gia này còn phân tích thêm, hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, cảng biển cùng nhiều công trình khác sẽ khơi dậy một xu hướng đô thị hóa chưa từng có. Xu hướng này không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến nhiều vùng miền trên cả nước.

TP Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: Mạnh Quân).
Với sự phát triển của giao thông, khoảng cách địa lý sẽ không còn là rào cản lớn. Việc di chuyển giữa các tỉnh thành, giữa nơi ở và nơi làm việc sẽ trở nên nhanh chóng và thuận tiện, tạo ra một diện mạo mới cho thị trường bất động sản.
“Tôi kỳ vọng rằng sự phát triển này sẽ từng bước đưa giá bất động sản về với giá trị thực, sau những biến động do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trước đây gây ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông đánh giá cục diện thị trường thời gian tới sẽ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn với hệ sinh thái đa dạng, tiềm lực mạnh mẽ, có khả năng kiến tạo những khu đô thị hiện đại, đồng bộ với đầy đủ tiện ích. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, chia sẻ những miếng bánh phù hợp với năng lực của mình, tạo nên sự cộng hưởng và phát triển chung.
Đồng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Group, cho rằng các Nghị quyết mới được Bộ Chính trị ban hành mang lại cho các doanh nghiệp niềm tin và động lực để tiếp tục phát triển. Các vấn đề về thủ tục pháp lý bất động sản trong thời gian tới sẽ trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Thời gian qua, thị trường gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là nguồn cung bất động sản bị hạn chế. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng bối cảnh thị trường thời gian tới sẽ khác hoàn toàn.
Ông này đánh giá thị trường nhiều khả năng sẽ bùng nổ nhưng không nằm ở giá cả, mà bùng nổ về nguồn cung. Điều này sẽ giúp người trẻ có cơ hội mua nhà.
Bài toán nguồn vốn bền vững
Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – đánh giá chất lượng vốn vẫn là thách thức lớn với các doanh nghiệp bất động sản. Thị trường đang thiếu các kênh dẫn vốn bền vững. Từ đó, khi có khủng hoảng, dòng tín dụng tắc sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản lao dốc.
Nội lực của doanh nghiệp bất động sản chưa thật sự mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều vấn đề trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn là những đơn vị đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó.
Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh doanh nghiệp bất động sản cần hướng đến nguồn vốn từ xã hội hoá.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm hiện tại không còn quá hấp dẫn, người dân đang tìm kiếm những kênh đầu tư hiệu quả hơn. Bất động sản vẫn luôn được xem là một kênh đầu tư tiềm năng. Việc doanh nghiệp xây dựng uy tín, quảng bá dự án minh bạch và hiệu quả sẽ là chìa khóa để thu hút nguồn vốn từ chính người dân.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần mạnh dạn niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả mà còn là bước đi quan trọng để tăng cường tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa hoạt động của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc xây dựng hồ sơ tài chính minh bạch, đạt chuẩn và tiến tới xếp hạng tín nhiệm sẽ là những yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể thu xếp vốn trên thị trường. Ông lấy ví dụ một doanh nghiệp bất động sản lớn từng tiết lộ huy động được hàng tỷ USD vốn từ các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore.
Theo ông, để nắm bắt được những cơ hội lớn sắp tới, các doanh nghiệp cần có tư duy mới, linh hoạt, sáng tạo và chú trọng đến việc khơi thông các nguồn lực trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và tính minh bạch để phát triển bền vững.