Theo thống kê tại ngày 9/8, có tới 11 ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất từ 5%/năm trở lên đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Trong đó, mức lãi suất huy động cao nhất của kỳ hạn này là 5,55%/năm, đang được niêm yết tại Ngân hàng Xây Dựng (CB). Đứng thứ hai là Ngân hàng Quốc Dân (NCB) với 5,35%/năm.
Với kỳ hạn 9 tháng, có tới 13 ngân hàng niêm yết lãi suất huy động từ 5%/năm trở lên. Trong đó, NCB dẫn đầu thị trường với mức lãi suất 5,55%/năm. Các ngân hàng CB, BVBank và ABBank cũng thuộc nhóm dẫn đầu với lãi suất 5,5%/năm. BaoViet Bank và Kienlong Bank lần lượt trả lãi suất 5,4% và 5,3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, còn lãi suất tại Bac A Bank là 5,25%/năm và Nam A Bank là 5,1%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng có tới 13 ngân hàng niêm yết lãi tiết kiệm từ 5,5%/năm đến 6%/năm. Trong đó, ABBank là ngân hàng có lãi tiết kiệm cao nhất kỳ hạn này là 6%/năm. Đứng sau là BVBank, Bảo Việt Bank và Sài Gòn Bank với mức lãi tiết kiệm 5,8%/năm…
Với kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng, hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động lên mức 6-6,1%/năm. Ngoài Saigonbank còn có: Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới “bẫy thanh khoản” cho các tổ chức tín dụng, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.
Theo khảo sát của Vụ Dự báo và Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,3% trong quý 3/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024.