ESG là chiến lược cốt lõi
Chiều 23/4, báo Dân trí tổ chức thành công Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VCCI) – khẳng định, ESG không còn là lựa chọn mang tính hình thức mà trở thành một phần chiến lược cốt lõi trong quản trị rủi ro, nâng cao giá trị thương hiệu và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp tiên phong tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn và thích ứng tốt hơn trong tương lai đầy biến động.

Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức thành công chiều 23/4 (Ảnh: Mạnh Quân).
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi ESG, ông Huy cho rằng một số xu hướng toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến chiến lược phát triển bền vững và việc thực thi ESG của doanh nghiệp.
Đầu tiên là biến đổi khí hậu và các rủi ro môi trường ngày càng gia tăng. Thời tiết cực đoan, nước biển dâng và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon để đáp ứng các cam kết phát triển xanh.
Tiếp đến là áp lực từ nhà đầu tư và người tiêu dùng đối với minh bạch ESG ngày càng lớn. Các quỹ đầu tư toàn cầu đang chuyển dịch dòng vốn vào các doanh nghiệp có báo cáo ESG tốt. Đồng thời, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường và có đạo đức kinh doanh rõ ràng.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của công nghệ số và chuyển đổi số cũng là một xu hướng then chốt. Công nghệ giúp doanh nghiệp thu thập, phân tích, khai phá, trình bày, đo lường và công bố dữ liệu ESG hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.
Ngoài ra, khung chính sách và tiêu chuẩn quốc tế về ESG cũng đang hoàn thiện nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ tuân thủ trong nước mà còn phải đáp ứng yêu cầu toàn cầu, đặc biệt nếu muốn mở rộng ra thị trường quốc tế.
Mở rộng hơn, TS Bùi Thanh Minh – Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) – nói, chính sách phát triển bền vững không còn đơn lẻ mà mang yếu tố tổng thể.
Chuyển đổi xanh cần đi cùng với tài chính xanh, chính sách công nghiệp… nên cần có tư duy hệ thống, xây dựng hệ sinh thái chiến lược phát triển bền vững. Từ đó, cần xây dựng hệ sinh thái chính sách một cách tổng thể, hoàn thiện, phù hợp với từng cấp độ doanh nghiệp.

TS Bùi Thanh Minh cho rằng cần làm ESG theo tư duy toàn cầu (Ảnh: Thành Đông).
“Điểm nghẽn lớn nhất là chúng ta thiếu một cách tiếp cận, tư duy tiếp cận tổng thể về chiến lược phát triển bền vững quốc gia cũng như dành cho từng doanh nghiệp. Chúng ta cần có hệ sinh thái ESG, tức là chúng ta sẽ làm ESG theo tư duy toàn cầu nhưng hành động phải thực tế, theo tiêu chí tiêu chuẩn”, ông Minh nhấn mạnh.
4 điểm sáng trong thực hành ESG
TS Mạc Quốc Anh – Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội – chỉ ra 4 điểm sáng trong việc triển khai ESG.
Đầu tiên là tín dụng xanh. Hiện nay, tín dụng xanh đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, đã hình thành đường băng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận, mặc dù rất nhỏ. Trước đây, tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp SME không có nhiều.
Thứ 2 là nguồn vốn quốc tế vào ESG đã cao hơn so với trước, như IFC cam kết rót 210 triệu USD cho thị trường xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME chưa đủ năng lực tiếp cận nguồn vốn này, phần lớn dành cho doanh nghiệp lớn.
Thứ 3 là khung pháp lý rõ ràng hơn so với trước. Các sự kiện, diễn đàn, nổi bật kể đến như sự kiện do báo Dân trí tổ chức khiến nhận thức về ESG trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định về cho vay xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ 4 là nhận thức của doanh nghiệp đã rõ nét hơn để xác định tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, nút thắt hiện nay là mới có 4,5% tín dụng xanh. Ngân hàng thường rót vốn vào dự án lớn nhằm bớt rủi ro hơn.
Còn doanh nghiệp SME rủi ro hơn nên khó tiếp cận được tín dụng xanh từ ngân hàng khi không có tài sản đảm bảo. Ngoài ra, lãi suất cho dự án ESG chưa được ưu đãi nhiều. Khả năng hấp thụ vốn công nghệ xanh vẫn còn thấp.