Chuyên gia: Cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ

Nhiều khung tiêu chuẩn đang là rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính xanh

Chiều ngày 23/4, báo Dân trí tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Phạm Minh Hương – Giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững, Deloitte Việt Nam – nhấn mạnh rằng một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay khi tiếp cận tài chính xanh là có quá nhiều khung tiêu chuẩn, quy định. Do đó, doanh nghiệp phải nhận thức được rõ những tác động trong từng hoạt động kinh doanh của mình để đưa ra được giải pháp.

Bà Hương dẫn chứng, doanh nghiệp nông nghiệp đã tiên phong trong phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tích cực hỗ trợ vùng nguyên liệu và các hộ nông dân đạt chuẩn thương mại công bằng, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương.

“Khi doanh nghiệp có thể tự nhìn thấy những tác động của mình với từng cá thể, họ sẽ có những chiến lược hỗ trợ”, bà Hương chia sẻ.

Chuyên gia: Cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ - 1

Bà Phạm Minh Hương thảo luận tại sự kiện của báo Dân trí (Ảnh: Thành Đông).

Ở góc độ chính sách, TS Mạc Quốc Anh – Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội – nhấn mạnh vai trò của cơ chế giám sát rộng rãi và sự tham gia tích cực từ người dân, người lao động trong quá trình triển khai ESG.

Ông cũng đề xuất cần phát triển hạ tầng mềm như bộ tiêu chuẩn, quy định kiểm soát ESG, và tổ chức các đối thoại định kỳ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi ESG.

Theo tôi cần sự nỗ lực của người dân, người lao động, có cơ chế mở và rộng rãi để giám sát thực thi ESG. Thứ 2 là phát triển hạ tầng mềm, bộ tiêu chuẩn ESG, quy định để kiểm soát việc thực thi ESG. Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để tăng cường nhận thức, giám sát triển khai ESG.

Tái định hình mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo, bền vững 

Theo ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VCCI), yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững trong 10 năm tới là năng lực thể chế và quản trị Nhà nước. Một hệ thống thể chế minh bạch, hiệu quả và nhất quán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và phân bổ các nguồn lực vốn, công nghệ, nhân lực… một cách tối ưu.

Đồng thời, thể chế mạnh cũng giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là trong việc thực hiện các cam kết ESG, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nâng cao trách nhiệm xã hội.

Ông Huy cho rằng, để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, Việt Nam cần tái định hình mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững. Các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao và công nghiệp sạch phải trở thành động lực trung tâm.

Ông Nguyễn Tiến Huy cũng nêu, để cân bằng hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh áp lực ESG và chuyển đổi xanh ngày càng gia tăng, Việt Nam cần ưu tiên một số giải pháp chiến lược mang tính hệ thống.

Theo ông, trước tiên, cần định hình lại mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, sáng tạo và bền vững thay vì chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và xuất khẩu gia công. Trong đó, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần được xác định là động lực trọng tâm.

Thứ hai, đầu tư mạnh vào hạ tầng chuyển đổi xanh và số hóa. Điều này bao gồm mở rộng năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh, xử lý chất thải hiện đại và áp dụng công nghệ số để đo lường, quản lý dữ liệu ESG.

“Việt Nam cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ, tạo nền tảng cho doanh nghiệp thực hiện, báo cáo và được hỗ trợ theo lộ trình cụ thể, tránh tình trạng “tự bơi” hoặc chạy theo tiêu chuẩn quốc tế mà thiếu hướng dẫn nội địa”, ông Huy nhấn mạnh.

Chuyên gia: Cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ - 2

Ông Nguyễn Tiến Huy (ở giữa) chọn yếu tố nâng cao năng lực thể chế và quản trị nhà nước chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam trong 10 năm tới (Ảnh: Thành Đông).

Bên cạnh đó, một giải pháp không kém phần quan trọng là phát triển nguồn nhân lực xanh, thông qua đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động hiện có và tích hợp nội dung phát triển bền vững vào giáo dục.

Đồng thời, cần đổi mới hệ thống tài chính theo hướng thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu bền vững và quỹ đầu tư ESG để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp, nhất là khối SME.

Cuối cùng là nâng cao năng lực thể chế và thực thi pháp luật sẽ là đòn bẩy để đảm bảo sự nhất quán, minh bạch và hiệu quả của mọi chính sách. Với những giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, vừa chuyển dịch sang một mô hình phát triển thực sự bền vững và có khả năng thích ứng cao trong tương lai.

Ông Huy cũng cho biết thực tế hiện nay cho thấy nhiều chính sách phát triển bền vững tại Việt Nam còn chậm đi vào cuộc sống do thiếu sự đồng bộ giữa các bộ ngành, chưa rõ ràng về cơ chế phối hợp và giám sát. SME, vốn chiếm hơn 97% doanh nghiệp, cũng gặp khó trong tiếp cận hỗ trợ do quy định thiếu linh hoạt và thông tin thiếu minh bạch.

Do đó, nếu cải thiện thể chế một cách thực chất, Việt Nam không chỉ tháo gỡ được “nút thắt” cho khu vực tư nhân, mà còn tạo được môi trường pháp lý thuận lợi để huy động vốn đầu tư xanh, đổi mới sáng tạo, và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững, một thể chế hiện đại, minh bạch và có năng lực thực thi hiệu quả sẽ là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể dẫn đầu trong một số lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghệ sạch trong thập kỷ tới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *