Chứng khoán Việt giảm mạnh, diễn biến tiếp theo sẽ ra sao?

VN-Index gặp áp lực, thanh khoản tăng cao

Tuần qua (31/3-4/4), thị trường chứng khoán Việt đã phản ứng không mấy tích cực sau thông tin Tổng thống Trump áp thuế toàn thế giới, bao gồm mức đối ứng 46% với Việt Nam.

VN-Index đã giảm mạnh từ vùng 1.325 điểm về 1.160 điểm, tức mất 165 điểm, trong đó 2 phiên có khối lượng giao dịch cao nhất lịch sử rồi phục hồi lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm. Kết thúc tuần qua, VN-Index giảm 8,11% về mức 1.210,67 điểm.

Chứng khoán Việt giảm mạnh, diễn biến tiếp theo sẽ ra sao? - 1

VN-Index biến động trong 6 tháng gần nhất (Nguồn: TradingView).

Phiên 3/4, thị trường có nhiều cổ phiếu giảm sàn, chỉ số giảm mạnh, đến từ các thông tin tiêu cực từ thuế quan, khối ngoại bán mạnh và tâm lý hoảng loạn. Nhiều nhóm ngành đều giảm điểm mạnh, thậm chí nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN-30 còn “trắng” bên mua. Thanh khoản 2 sàn đạt hơn 42.184 tỷ đồng.

Vào ngày giao dịch cuối tuần, thị trường xuất hiện các tín hiệu tích cực với khả năng phục hồi tốt của một số mã ngân hàng, bất động sản trong VN30 và nhóm khoáng sản. Thanh khoản trên sàn HoSE và HNX vào khoảng 44.059 tỷ đồng.

Cũng trong phiên cuối tuần trước, thị trường ghi nhận sắc xanh ở một số mã trong nhóm VN30, thậm chí được cải thiện ở sắc tím. Cổ phiếu LPB (LPBank) trong nhóm trụ cột đột ngột tăng trần lên 32.950 đồng/đơn vị. Mã này giao dịch hơn 9,4 triệu đơn vị, dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tích cực đến chỉ số.

2 cổ phiếu liên quan tỷ phú Phạm Nhật Vượng là VIC (Vingroup) và VHM (Vinhomes) cũng duy trì sắc xanh từ sáng tới cuối phiên, tăng lần lượt 3,7% và 2,03%. Trong đó, VIC khớp lệnh hơn 14,5 triệu cổ phiếu còn VHM giao dịch hơn 21,5 triệu cổ phiếu.

Đà tăng còn ghi nhận ở mã VNM (Vinamilk) với mức tăng 3,5%, nằm trong top 3 nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tích cực tới chỉ số chung. Một số cổ phiếu khác như STB (Sacombank), SHB hay SSB (SeABank) cũng nằm trong nhóm cổ phiếu tăng tốt, giúp VN30 hồi phục mạnh phiên này.

Nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nêu kỳ vọng áp lực bán giảm, thị trường phân hóa hơn khi tiếp tục điều chỉnh về 1.200 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018 cũng như vùng giá thấp nhất trong năm 2024. Xu hướng ngắn hạn VN-Index đang suy giảm dưới vùng kháng cự 1.250 điểm với áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ vẫn hiện hữu.

Trong ngắn hạn, công ty này cho rằng thị trường đã chịu cú sốc thuế quan, vượt các dự tính thông thường. Áp lực lớn này gây bất ngờ đối với nền kinh tế cũng như nhà đầu tư, dẫn đến thị trường có những phiên giao dịch với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tiếp theo vẫn có thể tiếp tục xảy ra.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng nắm giữ hợp lý, cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu là đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược hoặc tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.

Chứng khoán Việt giảm mạnh, diễn biến tiếp theo sẽ ra sao? - 2

Chứng khoán giảm, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro (Ảnh: ChatGPT).

Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nêu chính sách thuế quan mới đang tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Quá trình đàm phán thuế quan cần thời gian, điều này nhắc nhở nhà đầu tư cần chú ý hơn đến quản trị rủi ro, hạn chế vay ký quỹ trong quá trình thị trường xác lập lại vùng đáy.

Khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, đơn vị này nhận thấy một số yếu tố rủi ro tác động đến thị trường trong ngắn hạn như sự tác động của “vùng trũng thông tin” từ chứng khoán Mỹ ảnh hưởng đến VN-Index hay rủi ro tỷ giá.

Đơn vị này hạ dự báo VN-Index xuống mức 1.350-1.380 điểm trong năm nay, thay vì mức 1.400-1.420 điểm như trước đây. Quan điểm được đưa ra dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết…

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm nay cũng như MSCI trong năm sau.

Thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn. Các nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất từ chính sách thuế đối ứng như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics…

Ngược lại, với nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp, các nhóm ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng.

Bên cạnh đó, đợt bán tháo vừa qua đã đưa định giá một số cổ phiếu đầu ngành công nghệ, thực phẩm tiêu dùng xuống vùng định giá hấp dẫn để tích lũy, theo quan điểm của công ty chứng khoán trên. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *