Chính sách thuế của Mỹ là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao năng lực nội tại

Tập trung phát triển thị trường nội địa

Chia sẻ tại hội thảo “Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” ngày 18/4, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết dù phía Mỹ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp.

Cụ thể, ông cho rằng chính sách thuế mới tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ.

Chính sách thuế của Mỹ là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao năng lực nội tại - 1

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Theo rà soát của VCCI, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Mỹ. Các mặt hàng chủ lực là điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử…

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI vẫn lạc quan rằng trong nguy luôn có cơ và đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tập trung phát triển thị trường nội địa là trụ đỡ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp hỗ trợ để có vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng”, ông Công nhận định.

Uyển chuyển ứng phó, biến nguy thành cơ

Đồng tình với Chủ tịch VCCI, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng bên cạnh thách thức vẫn còn nhiều cơ hội rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng ta có thể mở rộng xuất khẩu sang Mỹ, dù ít ỏi nhưng cần tận dụng. Chúng ta cũng cần chú ý đến xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng. Qua đó đa dạng hóa, tăng nội lực và đáp ứng các tiêu chuẩn mới, giúp tăng sức chống chịu, tự cường”, ông Lực nói.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần tập trung nhiều hơn nữa vào thị trường và doanh nghiệp nội địa, vì đây là cơ hội vàng để chúng ta tăng sức chống chịu, tự lập, tự chủ, tự cường.

Tuy nhiên, chính sách thuế của Mỹ cũng đặt ra yêu cầu rằng Việt Nam cần phải có các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, giữ chân các nhà đầu tư hiện tại. Thêm vào đó, cần có các chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Chính sách thuế của Mỹ là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao năng lực nội tại - 2

Ông Lực nhấn mạnh cần tập trung nhiều hơn vào thị trường và doanh nghiệp nội địa (Ảnh: BTC).

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Việt Hà, đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham), cho rằng Việt Nam cần thực hiện đồng thời các nhóm chính sách giải pháp gồm thuế quan và phi thuế quan trong quá trình đàm phán để đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian 90 ngày tạm hoãn áp dụng. Đối với các chính sách phi thuế quan, bà Hà đề cập tới các chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo bà, Việt Nam nên cân nhắc kỹ lưỡng, không nên ban hành các chính sách tăng thuế hoặc mở rộng đối tượng chịu thuế trong thời gian này để ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và để các chính sách cắt giảm thuế quan với Mỹ thực sự có ý nghĩa.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, cho hay đối với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ngành đồ uống cũng chịu các tác động gián tiếp, lan tỏa, đặc biệt là tiêu dùng nội địa và đầu tư trong nước. 

Các hiệp hội và doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần thận trọng trong việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, cần xem xét giãn hoặc điều chỉnh lộ trình tăng thuế đối với ngành đồ uống có cồn để giảm áp lực cho doanh nghiệp. Đồng thời, các bên liên quan cũng kiến nghị chưa nên mở rộng phạm vi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước giải khát có đường, do lo ngại sẽ tác động đến chi phí sản xuất, giá bán và sức tiêu dùng trong nước.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, nhấn mạnh rằng bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nắm bắt thông tin, phân tích để có được những giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tích cực phối hợp với các hiệp hội, cơ quan nhà nước để chia sẻ thông tin, đánh giá các tác động và đề xuất, kiến nghị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *