Các lãnh đạo châu Âu nhiều tháng qua kiên trì củng cố quan hệ với ông Trump, thuyết phục Tổng thống Mỹ tăng ủng hộ Ukraine trong chiến sự với Nga.
Sau khi xem video về các đợt không kích của Nga vào loạt thành phố ở Ukraine ngày 11/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Friedrich Merz để bày tỏ phẫn nộ, theo hai nguồn thạo tin. Đến lúc này, ông Trump mới chấp nhận đề xuất ông Merz đưa ra vài ngày trước, đó là dùng nguồn tiền từ Đức mua vũ khí Mỹ rồi viện trợ cho Ukraine.
Ông chủ Nhà Trắng còn ra hạn chót 50 ngày để Nga giải quyết xung đột Ukraine, cảnh báo tình hình sẽ “rất tồi tệ” nếu Moskva chưa chấp nhận thỏa thuận chấm dứt xung đột sau mốc này.
Động thái cho thấy ông Trump đã chuyển sang cứng rắn hơn với Nga, thay đổi đáng chú ý trong lập trường về chiến sự Ukraine. Đây cũng là quan điểm mà giới lãnh đạo châu Âu tìm cách truyền tải cho ông Trump bằng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, nhằm thuyết phục Mỹ duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, theo Wall Street Journal.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại cuộc gặp với Thủ tướng Đức Friedrich Merz ở Nhà Trắng ngày 5/6. Ảnh: AFP
Để triển khai chiến thuật đó, lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Anh cùng nhiều quốc gia khác trong vài tháng qua đã tăng cường làm việc với chính phủ Mỹ. Các chính trị gia cấp cao cũng thiết lập kênh liên lạc với đội ngũ thân cận của Tổng thống Trump.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb xây dựng mối quan hệ thân thiện với ông Trump từ tháng 3, khi hai lãnh đạo cùng chơi golf ở bang Florida. Văn phòng Tổng thống Phần Lan cho biết ông Stubb và ông Trump đã bàn về nhiều vấn đề an ninh, trong đó có chiến sự Ukraine, khi dùng bữa trưa.
“Các đời tổng thống Phần Lan rất hiếm khi dành nhiều thời gian như vậy với tổng thống Mỹ, bất kể là gặp trực tiếp hay điện đàm, nhắn tin”, ông Stubb nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ tốt đẹp giữa các lãnh đạo.
Trả lời CBC News, ông Stubb lý giải cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của ông, đặc biệt là với Tổng thống Trump, là đối mặt với thực tế. Thay vì tìm cách thay đổi, ông tìm cách để tác động tốt nhất có thể đến bối cảnh.
Ở hậu trường, giới chức châu Âu cũng tìm cách vun đắp quan hệ với các thành viên cấp cao trong nội các của ông Trump có quan điểm ủng hộ Ukraine, như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Ngoại trưởng Marco Rubio, cùng hàng loạt nghị sĩ Cộng hòa.
Phó thủ tướng Đức Lars Klingbeil đã gặp ông Bessent và Bộ trưởng Tài chính Mỹ hứa sẽ vận động ông Trump trong cả vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine và trừng phạt Nga. Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul cũng làm việc với người đồng cấp Rubio về vấn đề tương tự.
Thủ tướng Đức Merz ngày 5/6 thăm Nhà Trắng, gặp Tổng thống Trump. Hai lãnh đạo sau đó trao đổi với nhau gần như hàng ngày, theo các quan chức Đức.
Ông Merz dễ kết nối với Tổng thống Trump hơn các thủ tướng Đức trước đây, các trợ lý của ông cho hay. Một trong những yếu tố mang lại lợi thế cho Thủ tướng Merz là ông có thể đưa ra những cam kết mạnh mẽ để mua vũ khí Mỹ, sau khi Đức sửa đổi hiến pháp để cho phép vay nợ gần như không giới hạn.
“Thủ tướng Merz đã tìm được cách tiếp cận hiệu quả. Ông ấy trao đổi với Tổng thống Trump qua điện thoại di động, thực hiện ngoại giao chi phiếu”, Nico Lange, cựu quan chức quốc phòng Đức, nói. “Ông ấy có thể biến cam kết thành hành động dễ dàng hơn so với nhiều lãnh đạo khác ở châu Âu”.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã gửi các tin nhắn ca ngợi ông Trump vì hành động quyết đoán trong xung đột Israel – Iran. Khi gặp ông chủ Nhà Trắng tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hà Lan ngày 25/6, ông Rutte mô tả ông Trump như “người cha can ngăn hai đứa trẻ ẩu đả ở trường”, khiến Tổng thống Mỹ rất hài lòng.
Trong cuộc họp thượng đỉnh, các thành viên NATO tại châu Âu cam kết sẽ chi 5% GDP cho quốc phòng, đúng như yêu cầu của ông Trump. Vài tháng trước, họ đã thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hãy chấp nhận đàm phán vô điều kiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Lầu Năm Góc đầu tháng 7 thông báo sẽ dừng viện trợ hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Sau khi nghe tin, ông Merz đã đề nghị điện đàm với ông Trump. Cuộc gọi diễn ra ngày 3/7, bên cạnh ông chủ Nhà Trắng tại Phòng Bầu dục còn có Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.
“Tôi gọi điện để chúc mừng ngài nhân dịp quốc khánh Mỹ 4/7 và đưa ra một đề xuất”, ông Merz nói, theo lời kể từ các nguồn thạo tin. Đó là Đức sẽ mua hai hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, loại vũ khí mà Mỹ đã đình chỉ viện trợ.
Ông Trump dường như không biết đến quyết định đình chỉ viện trợ của Lầu Năm Góc. “Pete, chuyện gì đang xảy ra vậy?”, ông Trump đặt câu hỏi. Vài ngày sau, Lầu Năm Góc đảo ngược kế hoạch ngừng viện trợ Patriot cho Ukraine.
Ngày 11/7, sau khi xem thêm video về Ukraine, ông Trump đã gọi điện cho ông Merz và đề xuất bán 5 hệ thống Patriot. Thủ tướng Đức lập tức đồng ý, dù biết ông cần thêm thời gian để thương lượng với các lãnh đạo châu Âu khác.
Theo Politico, các lãnh đạo châu Âu hiểu rằng nếu họ đề xuất mua vũ khí để Mỹ có lợi nhuận, ông Trump sẽ dễ dàng chấp thuận hơn.
Họ cũng biết ông Trump không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, vì sẽ đánh mất sự ủng hộ từ nhóm theo chủ nghĩa biệt lập trong nền tảng MAGA, vốn không muốn Mỹ can dự vào các cuộc xung đột bên ngoài. Bằng cách mua vũ khí Mỹ rồi cung cấp cho Ukraine, châu Âu đã tạo ra cái cớ hợp lý để ông Trump thuyết phục nhóm cử tri này và ra quyết định một cách thuận lợi hơn.
Bệ phóng trong hệ thống phòng không Patriot tại Cologne-Wahn, miền tây Đức hồi tháng 10/2023. Ảnh: AFP
Đức khả năng cao sẽ chuyển hai hệ thống Patriot của nước này cho Ukraine và đặt mua hai hệ thống mới từ Mỹ để thay thế, với chi phí khoảng 2 tỷ USD. Na Uy sẽ mua một hệ thống, trong khi ông Rutte nêu khả năng Canada, Đan Mạch và Phần Lan có thể tham gia nỗ lực.
“Một điều rõ ràng, và đây cũng là lời kêu gọi gửi đến các quốc gia thành viên NATO khác ở châu Âu: chúng ta lúc này đều phải mở hầu bao của mình”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói ngày 14/7 khi thăm Washington.
“Chúng tôi làm việc này cũng vì lợi ích của chính mình”, ông Merz nói ngày 15/7. “Mỹ và châu Âu giờ đây đã chung chí hướng. Điều đó sẽ giúp Ukraine đối phó các đợt tập kích của Nga. Chỉ bằng cách này mới gia tăng được áp lực lên Moskva để họ đàm phán hòa bình nghiêm túc”.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đánh giá phát biểu về tối hậu thư mà Tổng thống Trump đưa ra là “nghiêm trọng” và Nga “chắc chắn sẽ cần thời gian để nghiên cứu”. Ông nhấn mạnh Nga vẫn cởi mở với đàm phán, song cho rằng tuyên bố từ Tổng thống Trump có thể khiến Ukraine tin rằng đây là “lời thúc giục họ tiếp tục chiến sự chứ không phải tín hiệu hòa bình”.