Chi tiền tỷ vào chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân và “cá mập” cùng lỗ nặng

Một số nhà đầu tư khác thậm chí không dám nghĩ tới lợi nhuận nữa, mà lúc này điều họ quan tâm là “bao giờ thị trường ngừng rơi hay “tạo đáy” và hồi phục để họ có thể “làm lại danh mục”…

Anh Thanh (Hà Nội) cho biết tài khoản đầu tư chứng khoán của anh đang ghi nhận mức lỗ gần 23%. Trong đó, một mã cổ phiếu của doanh nghiệp BĐS lớn thuộc diện Top đầu thị trường về quy mô, chiếm tỷ lệ lớn trong đanh mục lại ghi nhận mức lỗ lên tới hơn 27%. Một cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận mức lỗ hơn 18%, trong khi mã cổ phiếu doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp lỗ thấp nhất hơn 6%. “Nhìn danh mục hiện tại, tôi không biết khi nào có thể “về bờ” chứ không dám nghĩ đến việc có lãi trở lại”, anh Thanh chia sẻ.

Tương tự, chị Lan một nhà đầu tư chứng khoán khác cho biết tài khoản của chị cũng đang lỗ nặng sau nửa năm xuống tiền bởi có mã hiện đang ghi nhận mức lỗ gần 50%. “Tài khoản của tôi có nhiều thời điểm ghi nhận mức lãi đáng kể. Tuy nhiên, những biến động mạnh của thị trường trong thời gian gần đây khiến một số mã cổ phiếu đang cầm giảm mạnh chuyển từ lãi sang lỗ”, nữ nhân viên văn phòng tiếc nuối khi nói về khoản đầu tư của mình.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng đang ghi nhận lỗ nặng khi đầu tư vào cổ phiếu. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy công ty đang đầu tư gần 162 tỷ đồng vào chứng khoán, tập trung vào ba doanh nghiệp bất động sản NLG, DXS, và KBC. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này hiện chỉ còn khoảng 130 tỷ đồng, tức lỗ 20%.

Hiện cả ba khoản đầu tư này đều tạm lỗ, trong đó khoản đầu tư vào cổ phiếu DXS lỗ nặng nhất với mức lỗ 45%. Các khoản đầu tư được Vĩnh Hoàn trích lập dự phòng hơn 31 tỷ đồng tính đến cuối kỳ.

Báo cáo tài chính quý 2/2024 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho thấy nhà băng này ghi nhận lỗ nặng khi đầu tư vào chứng khoán. Cụ thể, ACB lỗ từ mua bán chứng khoán kinh doanh ở mức hơn 41 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 71 tỷ đồng) và lỗ từ chứng khoán đầu tư hơn 14 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn hơn 407 tỷ đồng). Tại ngày 30/6, danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng (NDN) đang tạm lỗ với cổ phiếu NVL khi phải trích lập dự phòng gần 15 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% giá gốc khoản đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải trích dự phòng hơn 51 tỷ đồng cho các cổ phiếu khác.

“Tăng 3 tháng không bằng giảm nửa tháng, thành quả từ đầu năm đến giờ mất sạch”, anh Nam, một nhà đầu tư.

Nhà đầu tư ngoại Hyundai Elevator cũng đã “cắt lỗ” 5 triệu cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào ngày 31/7. Theo đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 28,1 triệu cổ phiếu (8,08% vốn) về 23,1 triệu cổ phiếu (6,64% vốn).

Trước đó, ngày 23/4/2019, Hòa Bình và Hyundai Elevator Co., Ltd đã ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ và hợp tác chiến lược. Hyundai Elevator tham gia vốn vào Hòa Bình với số lượng 25 triệu cổ phiếu với giá trị 575 tỷ đồng. Trong khi đó, tạm tính theo thị giá đóng cửa phiên 31/7 là 5.850 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu Hyundai Elevator vừa bán ra chỉ khoảng 29 tỷ đồng, tương đương lỗ 86 tỷ đồng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *