“Cá mập” tỷ USD mách nước đầu tư năm 2025

Tại Hội nghị nhà đầu tư năm 2025 tổ chức sáng 11/1, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital – một trong số ít quỹ ngoại quản lý khối tài sản tỷ USD ở Việt Nam – đã chia sẻ góc nhìn về các kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2025.

Nhận định chung về tình hình kinh tế vĩ mô, ông Tuấn cho rằng Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của tăng trưởng và đổi mới chính trị, hệ thống tư duy.

Cùng với đó, một chu kỳ đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam đang dần hiện hữu. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang kết hợp yếu tố định giá và tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn.

“Tôi nghĩ rằng 3 yếu tố này giúp có một góc nhìn tổng quan và hỗ trợ cho nhà đầu tư cho cả năm 2025 và có thể tôi sẽ tiếp tục nói về vấn đề này trong 5 năm tới”, ông Tuấn chia sẻ.

Cá mập tỷ USD mách nước đầu tư năm 2025 - 1

TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital (Ảnh: BTC).

Ông cho biết sẽ chia làm 4 kênh tài sản đầu tư, bao gồm bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và vàng.

Đầu tiên là kênh vàng, cá nhân ông Tuấn cho biết chỉ giữ khoảng 2% trong danh mục đầu tư. Vàng có giai đoạn tăng giá mạnh, nhưng nhìn về dài hạn 10-50 năm thì vàng lại không phải kênh đầu tư vượt trội so với các kênh khác.

Biến động giá vàng rất khó để đoán và hiệu suất đầu tư không cao như nhiều người nhận định, chuyên gia đánh giá. Xét về mặt đầu cơ, vàng bị hạn chế bởi sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá. Trên thang điểm 5 về hiệu suất các kênh đầu tư, ông Tuấn đánh giá kênh vàng chỉ được 2-2,5 điểm, giữ ở mức độ trung bình.

Trong khi đó, kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán cùng được đánh giá ở mức 3,5-4 điểm.

Nhìn ở góc độ rộng khi cơ sở hạ tầng được kết nối, bất động sản là kênh đầu tư có nhiều tiềm năng. Kênh đầu tư này được cho là có tiềm năng trong bối cảnh các phân khúc, thị trường phục hồi rõ rệt hơn, đặc biệt tại khu vực phía Bắc.

Ngoài ra, nhiều dự án đang dần được tháo gỡ pháp lý và sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong những năm tới. Ngoài ra, ở một số khu vực chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ trở thành khu vực tiềm năng có hiệu suất đầu tư cao.

Còn với kênh chứng khoán, chuyên gia từ quỹ cho biết trong ngắn hạn các yếu tố vĩ mô thế giới và xung đột thương mại có thể tạo ra biến động. Dragon Capital kỳ vọng hiệu suất thị trường song hành cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Năm nay, thị trường cũng có nhiều triển vọng trung hạn với việc Chính Phủ quyết tâm cao cho tăng trưởng. Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2025 là tăng trưởng GDP 8%, xuất nhập khẩu tăng 12%.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất của thị trường chứng khoán năm 2025 là khả năng được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo chuẩn của FTSE Russell.

Đưa ra lời khuyên đến nhà đầu tư, ông Tuấn chia sẻ  về việc nên ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hỗ trợ. Kênh TPDN được đánh giá 3 điểm trên thang điểm 5 về hiệu suất đầu tư. Do đây vẫn là kênh đầu tư có độ rủi ro nhất định. 

Mặc dù vậy, lợi suất TPDN vẫn có tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro hấp dẫn hơn so với tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lựa chọn TPDN để đảm bảo an toàn và thanh khoản.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Giám đốc Khối Trái phiếu Dragon Capital đánh giá, trái phiếu là kênh dành cho nhà đầu tư có kỳ vọng vừa phải.

“Thị trường trái phiếu năm 2024 lượng phát hành đã tăng trên 50%, lãi suất khá ổn, đáo hạn nhiều. Do đó, kênh trái phiếu có nguồn cung sẽ đa dạng hơn vào năm 2025 và nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư” bà Hồng nói.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *