Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời thông tin về cơ chế chính sách, động thái thị trường thương mại quốc tế nhằm khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên chủ động phương án trong sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiệp hội là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình thương mại quốc tế mới thông qua tìm kiếm khách hàng, đối tác từ các thị trường nhập khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác và phát triển.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ xây dựng website riêng về xuất xứ hàng hóa (Ảnh: Hải Long).
Trong quý I, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 99,68 tỷ USD, tăng 17%.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ Công Thương chiều ngày 4/4, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về vấn đề phòng, chống gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, xuất xứ hàng hóa vừa giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, nhưng đồng thời cũng là công cụ phòng chống các hoạt động gian lận, bảo vệ nền sản xuất trong nước.
“Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn chú trọng công tác về xuất xứ hàng hóa, vừa thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nhận thức, tăng cường khả năng tận dụng các quy tắc về xuất xứ, vừa có những cảnh báo cũng như các hoạt động kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo không xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ”, ông nói.
Ông Hải nhấn mạnh, gian lận xuất xứ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại cũng như cách đối xử của các đối tác thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai một số biện pháp, cụ thể và tới đây, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung nghị định để phù hợp với diễn biến thực tế, đáp ứng được yêu cầu về phòng, chống gian lận xuất xứ, cũng như thúc đẩy tận dụng xuất xứ hàng hóa trong thời gian tới.
“Xuất xứ hàng hóa là một lĩnh vực khá kỹ thuật, đòi hỏi phải có nhận thức cũng như kiến thức, kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn. Sắp tới đây, Bộ sẽ xây dựng website riêng về vấn đề xuất xứ hàng hóa, qua đó góp phần tăng cường, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về vấn đề này”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nói.
Mặt khác, ông Hải cho biết Bộ Công Thương, các đơn vị trong Bộ liên tục phối hợp với các Bộ, ngành, hay với các đối tác nước ngoài trong việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhân lực, bộ máy để làm tốt công việc này.