Nghị định số 189/2025 của Chính phủ vừa ban hành, quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã và thẩm quyền của công an nhân dân.
Thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND
Có hiệu lực từ tháng 7/2025, Nghị định số 189/2025 quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng với các hành vi vi phạm về đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; đặt cược và trò chơi có thưởng; an ninh mạng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Ảnh minh họa
Điểm nổi bật theo nghị định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 kể trên.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu (cấp xã) có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng. Giám đốc Sở sẽ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với các lĩnh vực kể trên.
Ngoài ra, các chức danh này cũng có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
Giám đốc công an tỉnh có quyền xử phạt trục xuất
Bên cạnh đó, nghị định vừa ban hành cũng quy định, chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định ở trên.
Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt.
Đối với trưởng công an cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn…
Trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh nội địa có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 80% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
Đối với công an cấp tỉnh, nghị định nêu rõ, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt giống như Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh nội địa và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng hình thức xử phạt trục xuất…
Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Phạt tiền đến 30.000.000 đồng: Hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê; đối ngoại; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Phạt tiền đến 100.000.000 đồng: Đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi; phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; điện lực… |
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Nguồn: [Link nguồn]
–14/07/2025 11:43 AM (GMT+7)