Người trẻ nên giảm muối, hạn chế thịt đỏ, ưu tiên đạm lành mạnh, ăn nhiều rau trái cây, dùng ngũ cốc nguyên cám, chọn chất béo tốt và uống đủ nước để bảo vệ thận.
Theo TS.BS Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, nhiều bạn trẻ hiện nay làm việc căng thẳng, ngủ không đủ, ăn uống thất thường, dựa vào đồ uống kích thích để tỉnh táo. Những thói quen này không chỉ khiến tinh thần kiệt quệ mà còn gây tổn thương thận – cơ quan quan trọng, dễ bị ảnh hưởng mà ít ai nhận ra.
Thận có nhiệm vụ lọc máu, loại bỏ độc tố, duy trì cân bằng nội môi. Để làm việc hiệu quả, thận cần đủ máu, nước và môi trường trao đổi chất ổn định. Nếu thường xuyên thiếu nước, căng thẳng kéo dài hoặc rối loạn điện giải, chức năng thận suy giảm dần mà người bệnh khó phát hiện.
Một biểu hiện phổ biến là thức khuya, thậm chí thức trắng đêm vì công việc, học tập hoặc giải trí. Tình trạng này làm rối loạn hệ nội tiết, tăng nồng độ cortisol, gây tăng huyết áp và áp lực lên thận.
Bên cạnh đó, thức khuya thường đi kèm ăn uống thất thường, lạm dụng thực phẩm nhanh, mặn, ngọt. Điều này làm tăng gánh nặng chuyển hóa cho thận.
Để bảo vệ chức năng thận cho người trẻ, bác sĩ Oanh khuyến cáo chế độ ăn như sau:
Giảm muối
Chế độ ăn giảm muối là nền tảng đầu tiên trong bảo vệ chức năng thận. Người trẻ nên tập thói quen giảm dần lượng muối, nước mắm, bột nêm trong nấu ăn hằng ngày.
Thay vì sử dụng gia vị mặn, có thể tăng cường sử dụng các loại gia vị tự nhiên như hành, tỏi, gừng, sả, tiêu, rau thơm để tăng hương vị món ăn mà không cần thêm muối.
Ăn ít thịt đỏ, phủ tạng động vật
Việc tiêu thụ thịt đỏ và phủ tạng động vật nên được giới hạn, khuyến nghị là không quá 1-2 lần mỗi tuần. Đây là nhóm thực phẩm giàu đạm và purin, nếu ăn nhiều có thể gây tăng gánh nặng chuyển hóa cho thận, đồng thời tăng nguy cơ tăng axit uric và rối loạn lipid máu.
Ưu tiên đạm lành mạnh
Người trẻ nên ưu tiên đạm lành mạnh từ nguồn cá biển, trứng, sữa ít béo và các loại đạm thực vật như đậu phụ, đậu nành, đậu đen. Các loại đạm này vừa ít gây độc tích nitơ, vừa dễ tiêu hóa, ít ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận.
Người trẻ nên ưu tiên các loại đạm thực vật như đậu phụ. Ảnh: Song Anh
Ăn nhiều rau, trái cây
Rau xanh và trái cây tươi là nhóm thực phẩm không thể thiếu. Mỗi ngày nên cung cấp ít nhất 300-500 g rau và quả chín. Những loại rau như cải bó xôi, rau muống, rau dền, cùng các loại trái cây ít đường như táo, lê, thanh long, sẽ cung cấp chất chống oxy hóa giúp bảo vệ nhu mô thận khỏi tổn thương mạn tính.
Tuy nhiên, nếu người bệnh đã có rối loạn kali máu, cần được bác sĩ điều chỉnh lượng phù hợp.
Chọn ngũ cốc nguyên cám
Về ngũ cốc, người trẻ nên chuyển sang sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen, khoai lang luộc. Các thực phẩm này có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ và giúp cải thiện chuyển hóa, đồng thời hỗ trợ điều hòa huyết áp và đường huyết – hai yếu tố then chốt trong phòng bệnh thận mạn.
Kiểm soát chất béo
Người trẻ nên hạn chế sử dụng mỡ động vật, da gà, nội tạng, thay vào đó dùng dầu thực vật có lợi như dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu cá – vốn giàu omega-3 có vai trò kháng viêm và bảo vệ mạch máu thận.
Uống đủ nước, không quá nhiều
Lượng nước uống mỗi ngày nên được cá nhân hóa tùy vào nhu cầu hoạt động và môi trường. Trung bình nên uống từ 1,5 đến 2 lít nước lọc/ngày. Không nên ép uống quá nhiều nước nếu cơ thể không có nhu cầu, đặc biệt ở người có dấu hiệu phù hoặc tổn thương thận tiềm ẩn.
Theo bác sĩ Oanh, sàng lọc bệnh thận nên được thực hiện sớm ở những nhóm có nguy cơ cao như: người có tiền sử gia đình bị bệnh thận, người mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hoặc sử dụng thuốc độc cho thận (NSAIDs, kháng sinh nhóm aminoglycoside…) kéo dài.
Các xét nghiệm đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm creatinin huyết thanh, ước tính mức lọc cầu thận (eGFR), và xét nghiệm albumin niệu có thể giúp phát hiện sớm các tổn thương thận tiềm ẩn ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng.
Ngoài ra, giáo dục dinh dưỡng học đường đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khi trẻ em và thanh thiếu niên được tiếp cận kiến thức về dinh dưỡng hợp lý từ sớm, họ sẽ hình thành thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe thận, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính về sau. Các chương trình can thiệp cộng đồng nên nhấn mạnh thông điệp “bảo vệ thận từ bữa ăn đầu tiên” và lồng ghép hoạt động hướng dẫn nấu ăn, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, đọc nhãn thực phẩm, cũng như giáo dục tránh dùng thuốc, thực phẩm chức năng trôi nổi.
Suy thận mạn là tiến trình không hồi phục nhưng có thể làm chậm và kiểm soát tiến triển nếu có chế độ dinh dưỡng và lối sống hợp lý.
“Phòng bệnh từ sớm thông qua việc điều chỉnh khẩu phần ăn, giảm muối – giảm đạm – giảm đường, cùng với khám sàng lọc định kỳ là các trụ cột quan trọng để bảo vệ chức năng thận cho thế hệ trẻ”, bác sĩ Oanh nói.