Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/7 công bố video tên lửa đạn đạo Iskander mang đạn chùm đánh trúng khu vực được cho là tập trung lính thủy đánh bộ Ukraine ở vùng Mykolaiv.
Theo kênh truyền hình quốc phòng Nga Zvezda TV, vụ tấn công được thực hiện bằng tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander, nhằm vào một “điểm triển khai tạm thời” của lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 35 của Ukraine, nằm gần khu dân cư Barativka ở vùng Mykolaiv.
“Toàn bộ mục tiêu đối phương đã bị loại bỏ. Điều này được xác nhận qua hình ảnh trực quan”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, đề cập video do máy bay không người lái (UAV) trinh sát quay lại.
Tuy đoạn video không tiết lộ thời điểm chính xác của cuộc tấn công, nhưng hình ảnh từ trên cao cho thấy vụ nổ mạnh xảy ra tại một khu nhà được cho là nơi tập trung lính thủy đánh bộ Ukraine.
Khoảnh khắc tên lửa Iskander mang đầu đạn chùm đánh trúng khu nhà được cho là nơi tập trung binh sĩ Ukraine. Ảnh chụp màn hình video.
Tên lửa Iskander mang đạn chùm phát nổ ngay phía trên khu nhà, phóng ra vô số những quả đạn con trong phạm vi rộng lớn. Cảnh quay cuối video cho thấy nhiều quả đạn con đã xuyên vào bên trong khu nhà qua phần mái, tạo ra các lỗ hổng nhỏ.
Theo cổng thông tin quân sự Ukraine Militarnyi, tên lửa Iskander của Nga được thiết kế để mang theo nhiều loại đầu đạn khác nhau, trong đó có các loại đạn chùm, gồm đầu đạn chùm có thể phóng ra các mảnh kim loại hoặc đầu đạn chùm mang bom bi.
Đầu đạn chùm của tên lửa Iskander được kích hoạt ở độ cao từ 0,9 đến 1,4 km, sau đó thả những quả bom con được trang bị cảm biến vô tuyến Zont 9E156. Những quả đạn con này sau đó sẽ phát nổ ở độ cao 6–10 mét so với mục tiêu, nhằm tăng diện tích sát thương.
Phía Ukraine từng thừa nhận tên lửa Iskander của Nga rất khó đánh chặn do là tên lửa đạn đạo có điều khiển (quasi-ballistic). Trong quá trình bay, tên lửa liên tục thay đổi quỹ đạo nhờ các cánh lái khí động học và khả năng cơ động ở tốc độ cao.
Tên lửa Iskander cũng có tiết diện radar nhỏ, được phủ lớp vật liệu giảm phản xạ và có thể mang theo thiết bị gây nhiễu điện tử, càng khiến việc phát hiện và đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
Hệ thống điều khiển đầu cuối của tên lửa gồm đầu tự dẫn quang học 9B918, có khả năng ghi nhớ địa hình mục tiêu nạp sẵn và so sánh hình ảnh thực tế trong hành trình. Theo phía Nga, hệ thống này có thể hoạt động trong điều kiện đêm tối không trăng và có khả năng chống gây nhiễu điện tử hiệu quả.
Theo Nhật Minh – Zvezda TV ([Tên nguồn])
Nguồn: [Link nguồn]
–11/07/2025 16:52 PM (GMT+7)