Số vàng đó đã được bán với giá 35 triệu đồng/lượng từ cách đây hơn 10 năm. Người cho vay đồng ý quy ra tiền và trả lãi hàng tháng. Tuy nhiên, hiện tại, người cho vay muốn nhận lại vàng, người đi vay muốn trả bằng tiền khiến nhiều người tranh cãi.
Vay vàng mang bán và trả lãi bằng tiền
Từ nhiều năm nay, việc người thân, bạn bè cho nhau vay vàng không phải chuyện hiếm. Thế nhưng, sau một thời gian dài, giá vàng tăng không ngừng đã khiến cả người vay và người cho vay khó xử, không biết giải quyết ra sao.
Mới đây, trên một diễn đàn về tài chính cá nhân với gần 700 nghìn thành viên có đăng tải bài viết nhờ cộng đồng tư vấn đã thu hút hàng nghìn lượt quan tâm, chia sẻ, bình luận về vấn đề vay vàng.
Giá vàng tăng mạnh thời gian gần đây đã khiến người đi vay và người cho vay vàng đều khó xử. (Ảnh minh hoạ).
Cụ thể, chị T. (thành viên giấu tên) cho biết, vào năm 2014, vợ chồng chị xây nhà, thiếu tiền nên có vay của chị chồng 3,2 lượng vàng SJC. Chị T. đã mang bán số vàng đó với giá 35 triệu đồng/lượng, thu về được 112 triệu đồng.
“Hồi đó mình cầm vàng của chị đi bán. Sau đó, chị cũng đồng ý sẽ quy ra tiền và trả lãi 500 nghìn đồng/tháng, sau này trả nợ gốc bằng tiền. Từ đó đến nay, vợ chồng mình chỉ trả được tiền lãi là 500 nghìn đồng/tháng, còn gốc chưa trả được.
Hôm nay, chị chồng sang bảo, qua Tết sắp xếp trả vàng cho chị nhưng mình không đồng ý. Ngày xưa, chị quy ra tiền thì bây giờ mình cũng chỉ trả tiền thôi. Chị không đồng ý và yêu cầu vợ chồng mình trả vàng cho chị, không thì chị sẽ kiện. Chồng mình bảo, thôi cố gắng trả vàng nhưng mình thì ấm ức lắm, vì rõ ràng chị sai. Giờ mình biết làm sao đây?”, chị T. nói.
Ngay lập tức, bài viết của chị T. đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận, tranh cãi nảy lửa giữa các thành viên về việc trả bằng tiền hay mua vàng đem trả.
Màn tranh cãi nảy lửa của hội chị em
Đồng tình với ý kiến của chị T., nhiều người cho rằng, hiện tại, chị T. chỉ cần trả số tiền 112 triệu đồng, không cần trả bằng vàng.
“Thoả thuận ban đầu là quy ra tiền và trả lãi hàng tháng rồi, sau đó lại đòi trả vàng là chị chồng quá tham lam. Người nhà với nhau như vậy là đủ biết con người đó như thế nào rồi”, tài khoản tên Mỹ Linh nhận xét.
Đồng quan điểm, tài khoản Nguyễn Mơ cho rằng, là chị em với nhau, khi vay đã thống nhất là trả tiền thì cứ quy ra tiền mà trả. Ngoài ra, không có giấy tờ chứng minh có vay mượn giữa hai người với nhau nên cũng không có cơ sở gì để kiện.
Nhiều người cho rằng, chị chồng đã đồng ý quy ra vàng và trả lãi hàng tháng thì không phải trả nợ bằng vàng nữa.
“Thoả thuận ban đầu như thế nào thì cứ vậy mà làm theo thôi. Tham thì cũng tham vừa vừa, chị em trong nhà mà lật lọng hơn cả người dưng”, tài khoản Trang Ngô nói.
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, chị T. nên trả bằng vàng vì thời gian vay quá lâu, đồng tiền thì ngày càng mất giá.
“Người ta bỏ ra 3,2 lượng vàng ra cho vợ chồng bạn vay lúc khó khăn chứng tỏ người ta quá tốt rồi. Căn nhà bạn mượn tiền xây 10 năm trước giá trị bao nhiêu và hiện tại giá trị bao nhiêu? Thời gian là 10 năm, kể cả bạn có trả lãi 500 nghìn đồng/tháng thì giờ bạn trả vàng mình thấy cũng không thiệt”, tài khoản Linh Thuỳ nhận định.
Sau khi tính toán chi tiết, tài khoản Quỳnh Phương cho rằng, nếu hiện tại, chị H. trả 3,2 lượng vàng sẽ là hơn 270 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu quy ra tiền, tính cả tiền lãi thì sau 10 năm, số tiền phải trả chỉ là 172 triệu đồng, không đủ để mua 2 lượng vàng. Vậy nên, vay vàng phải trả đúng bằng vàng vì vàng thời nào cũng có giá trị tương đương với thời điểm đó.
Không ít người lại cho rằng, vay vàng thì phải trả bằng vàng.
“Vay tận 10 năm, chỉ trả lãi mà không trả tí gốc nào cho người ta lấy tiền làm ăn là không được rồi. Bây giờ cách tốt nhất là tính giá vàng hiện tại ra tiền, sau đó xin lại số lãi đã đóng 10 năm qua. Vay vàng phải trả vàng, không nói nhiều”, tài khoản Diệu Linh khẳng định.
Rút kinh nghiệm từ việc này, một số ý kiến khác cho rằng, dù là anh chị em trong nhà thì khi cho vay hay đi vay cũng cần có giấy trắng mực đen ghi rõ thời gian vay, lãi suất bao nhiêu và khi trả bằng tiền hay bằng vàng. Như vậy, sẽ tránh dẫn đến mất tình cảm và khó xử như trường hợp trên.