USD-Index vượt 108 điểm, lên đỉnh 2 năm
Ngày 20/12, USD Index – thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt – đạt 108,1 điểm, cũng là vùng giá cao nhất 2 năm của chỉ số này. So với tuần trước, ước tính chỉ số USD Index đã tăng 1,06%. Còn xét từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng 6,66%.
Diễn biến thế giới kéo giá USD trong nước tăng theo. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước kết phiên 19/12 niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.304 đồng, tăng 26 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.089-25.519 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.189-25.519 đồng (mua – bán), tăng 26 đồng ở cả 2 chiều. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.265-25.519 đồng. Khoảng một tháng trở lại đây, các ngân hàng đều niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh vượt 25.700 đồng ở chiều bán, được giao dịch tại 25.650-25.750 đồng (mua – bán), tăng 30 đồng ở cả 2 chiều.
Vì sau USD “nóng” lên?
USD-Index tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện động thái cắt giảm lãi suất. Ngày 18/12, Fed quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ về 4,25-4,5%, tức hạ 25 điểm cơ bản (0,25%). Đây là lần thứ 3 liên tiếp cơ quan này giảm lãi suất. Hai lần trước, các mức giảm lần lượt là 0,5% và 0,25%.
Đồng thời, lãnh đạo Fed cho biết sẽ thực hiện chậm lại tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Fed dự kiến chỉ giảm lãi suất 2 lần vào năm 2025 (dự kiến là tháng 3 và tháng 6). Chủ tịch Fed là ông Powell cho biết tại cuộc họp báo gần nhất: “Từ lúc này sẽ là một giai đoạn mới, chúng tôi sẽ thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất thêm nữa”.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định thêm, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong 2 phiên gần nhất cũng khiến chênh lệch USD/VND nới rộng, tạo áp lực lên tỷ giá.
Sáng 20/12, lãi suất liên ngân hàng (lãi suất vay vốn của các ngân hàng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng – thị trường 2) kỳ hạn qua đêm giảm về 2,79%/năm (thấp hơn 1,83% so với trước đó) trong khi lãi suất một tuần giảm về 3,62%/năm (thấp hơn 1,6% so với trước đó).
“Sức mạnh đồng USD ngày càng được củng cố và chênh lệch lãi suất USD/VND bị nới rộng khiến tỷ giá chịu áp lực trong những ngày cuối năm 2024”, chuyên gia đưa ra nhận định.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến giờ ghi nhận nhiều biến động so với năm ngoái.
Lý do chính khiến đồng USD tiếp tục tăng giá do kỳ vọng vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump. Điều này sẽ khiến lạm phát tại Mỹ tăng lên, giá cả sẽ tăng theo và có thể khiến Fed tạm dừng hoặc thậm chí đảo ngược lộ trình cắt giảm lãi suất.
“Kinh tế Mỹ cũng đã phục hồi tương đối mạnh và đây là 2 lý do khiến cho đồng USD tăng giá nhanh trong thời gian vừa qua, kéo theo các đồng tiền trên thế giới bị mất giá, trong đó có đồng tiền của Việt Nam”, ông Cấn Văn Lực nói.
Nhận định về biến động của tỷ giá USD/VND trong thời gian tới, vị này cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn. Lý do là cung cầu về ngoại tệ của Việt Nam tương đối tốt. Ngoài ra, tâm lý của nhà đầu tư khi ông Donald Trump lên nắm quyền sẽ lắng xuống, giúp cho nhu cầu găm giữ USD để đầu cơ giảm bớt đi.
Đặc biệt, Fed đã giảm lãi suất và có thể giảm tốc độ cắt giảm lãi suất nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD/VND, qua đó cũng giúp giảm áp lực về tỷ giá. Theo đó, cả năm nay, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định và đồng Việt Nam chỉ mất giá so với USD khoảng 3,5-4%.
Ngoài ra, theo chuyên gia, những biến động tỷ giá cũng mang yếu tố mùa vụ. Thời điểm cuối năm, tỷ giá luôn có diễn biến “nóng” và sang đến đầu năm tới thì áp lực tỷ giá sẽ giảm và ổn định hơn. Ông dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng ở mức 2,5-3% trong năm 2025.