6 “ông lớn” Nhà nước làm ăn ra sao trước khi về lại Bộ Công Thương?

Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành.

Trong đó, 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cũng với bộ máy nhân sự quản lý sẽ về lại Bộ Công Thương. 

6 “ông lớn” này được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vào tháng 11/2018. Trước đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp. Trong hơn 5 năm dưới sự quản lý của “siêu” ủy ban, tình hình kinh doanh của 6 tập đoàn, tổng công ty có nhiều thay đổi.

Lợi nhuận EVN ra sao?

Theo các báo cáo tài chính đã kiểm toán giai đoạn 2019-2024, tình hình kinh doanh EVN có nhiều biến động lớn. Cụ thể, năm 2019, 2020 và 2021 – tức 3 năm đầu tiên dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước – EVN ghi nhận kết quả tăng mạnh ở cả doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, năm 2019, “ông lớn” ngành điện ghi nhận 394.890 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16,6% so với kết quả đạt được trong năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.720 tỷ, tăng 43%. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ cũng tăng 41%.

Sang năm 2020, doanh thu hợp nhất tập đoàn này ghi nhận là 409.802 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 14.480 tỷ đồng, tăng 4.760 tỷ đồng so với năm 2019 (tương đương 49%). Riêng công ty mẹ – EVN ghi nhận khoản lãi sau thuế 1.598 tỷ đồng năm 2019.

Đến năm 2021, báo cáo tài chính đã kiểm toán cho thấy doanh thu thuần EVN đạt hơn 426.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt mức 14.725 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ và là mức lãi kỷ lục.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tình hình kinh doanh của “ông lớn” ngành điện bất ngờ lao dốc. Doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục hơn 20.747 tỷ đồng dù doanh thu hợp nhất tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 463.000 tỷ đồng. Theo lý giải, năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra, giá nhiên liệu cho sản xuất điện như than, khí đều tăng vọt khiến EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra.

Năm 2023, EVN tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỷ đồng. Lũy kế 2 năm 2022-2023, “ông lớn” này lỗ kỷ lục hơn 47.519 tỷ đồng. Theo tập đoàn, trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện. 

Trong nửa năm nay, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 282.907 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ cùng kỳ là 29.107 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp đạt 653.187 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân chưa thể cân đối được tài chính trong nửa đầu năm, lãnh đạo EVN cho biết do đơn vị vận hành theo cơ chế “đặc biệt” – đầu vào theo giá thị trường, nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước diễn ra ngày 6/12, ông Đặng Hoàng An – Chủ tịch HĐTV EVN – cho biết doanh thu bán điện toàn EVN năm nay ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023, trong đó, doanh thu công ty mẹ ước đạt hơn 480.000 tỷ đồng, dự kiến lãi trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng.

“Đến cuối năm nay, EVN dự kiến sẽ cân bằng được tài chính. Đây cũng là bước khởi đầu mới cho đơn vị bước sang năm 2025”, ông An nói.

PVN lãi hàng chục nghìn tỷ đồng/năm

Trong số các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, PVN là “ông lớn” có quy mô lớn nhất với tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng, tính đến hết năm 2023. Trong năm 2019, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 397.400 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 34.900 tỷ đồng, giảm gần 17%.

Năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 304.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 12.913 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch năm. Đến năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 375.800 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 33.300 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2020. 

Năm 2022, doanh thu hợp nhất đạt kỷ lục 580.249 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 56.441 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của “ông lớn” dầu khí này ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt gần 551.041 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 40.278 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2022.

Trong năm 2023, PVN cũng đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án khó khăn trọng điểm. Đáng chú ý, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 – một trong những dự án trọng điểm của ngành điện có tổng công suất 1.200MW do PVN làm chủ đầu tư đã hồi sinh sau 12 năm do vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.

Trong 11 tháng vừa qua, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của “ông lớn” này chiếm gần 45% tổng lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý.

Chủ tịch PVN yêu cầu tập trung các động lực mới ở lĩnh vực năng lượng gồm: điện, LNG, xăng dầu, điện gió ngoài khơi. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án mới vào hoạt động, giải quyết vấn đề tại các dự án khó khăn để tạo ra doanh thu, dòng tiền mới…

“Đại gia” xăng dầu Petrolimex kinh doanh trồi sụt

Petrolimex hiện là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với hệ thống 5.500 cửa hàng xăng dầu (trong đó có 2.800 cửa hàng thuộc sở hữu và quản lý trực tiếp), chiếm gần 50% thị phần cả nước. Trong năm 2019 – tức năm đầu tiên về dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Petrolimex đạt 189.603 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.676 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2018.

Tuy nhiên, đến năm 2020, Petrolimex ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lao dốc. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 123.918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.252 tỷ đồng, lần lượt giảm 34,6% và 73,2% so với thực hiện trong năm 2019.

Đến năm 2021, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần tăng vọt 37% so với năm 2020, lên 169.008 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 3.123 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2020. Riêng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 2.830 tỷ đồng, gần gấp 3 cùng kỳ. 

Năm 2022, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước đạt 304.063 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, lãi sau thuế cả năm chỉ ghi nhận ở mức 1.902 tỷ đồng, giảm 39% so với năm 2021 do giá vốn bán hàng tăng cao tới 291.758 tỷ đồng.

Trong năm 2023 vừa qua, “ông lớn” ngành xăng dầu chỉ đạt hơn 273.979 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế cả năm tăng hơn 60% lên tới 3.077 tỷ đồng nhờ mức lãi rất lớn trong quý III/2023 do ghi nhận khoản lợi nhuận hoạt động tài chính từ kết quả thoái vốn tại PGBank.

Riêng 9 tháng vừa qua, doanh thu thuần đạt khoảng 212.990 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.551 tỷ đồng, tăng lần lượt 3,6% và 11,5% so với cùng kỳ. Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của Petrolimex ở mức 70.189 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với khoảng 49.621 tỷ đồng. 

“Ông trùm” hóa chất Vinachem thoát lỗ

“Gánh” trên vai 4 dự án thua lỗ, yếu kém điển hình nằm trong 12 đại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục chìm trong thua lỗ sau khi về dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Năm 2019, doanh thu thuần đạt 40.624 tỷ đồng, giảm 6,9% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 248,9 tỷ đồng, giảm 44%. Năm 2020, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.113 tỷ đồng, giảm 8,6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 1.948 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2020 nhờ sự chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, cơ quan quản lý và nỗ lực của doanh nghiệp, Công ty cổ phần DAP-Vinachem là đơn vị đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương. Bên cạnh đó, 3 dự án còn lại cũng đã dần được tháo gỡ, xử lý.

Đến năm 2021, tình hình kinh doanh của “ông lớn” ngành hóa chất có sự khởi sắc với doanh thu thuần đạt hơn 47.890 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.517 tỷ đồng.

Sang năm 2022, doanh thu thuần đạt 56.499 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.205 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm trước. Trong năm vừa qua, Vinachem ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 50.572 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế giảm 54,5% đạt hơn 3.271 tỷ đồng. Đáng chú ý, 3 đơn vị trong danh mục 12 dự án yếu kém ngành Công Thương đã có lãi hơn 1.046 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, “ông lớn” ngành hóa chất ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 27.721 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 435 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vinachem cho biết trong năm nay đơn vị đang triển khai đề án tái cơ cấu tài chính tại 3 dự án phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 để sớm đưa các dự án ra khỏi danh sách yếu kém. 

TKV nỗ lực tăng trưởng

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin – TKV) là “ông lớn” hoạt động trong lĩnh vực khai thác than đá và khoáng sản. Doanh nghiệp là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của TKV đạt 115.203 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.917 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3%. Năm 2020, doanh thu thuần giảm hơn 6,6%, lợi nhuận giảm 36% so với năm 2019. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 107.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.503 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu thuần vẫn đạt 113.169 tỷ đồng, tăng hơn 5%. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.714 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của “ông lớn” ngành than tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 29%, đạt 145.917 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.337 tỷ đồng, tăng 76,8% so với năm 2021.

Năm 2022, TKV được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá là một trong hai tập đoàn kinh tế nhà nước dẫn đầu về tăng trưởng và sản xuất kinh doanh hiệu quả với doanh thu cao nhất từ trước tới nay. Sản xuất than sạch cũng tăng thêm 3,3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm đề ra.

Trong năm vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận sụt giảm nhẹ hơn 3% đạt 141.811 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 26% còn 6.329 tỷ đồng. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, lãnh đạo TKV cho biết doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong năm 2023, dẫu vậy vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra.

Riêng nửa năm nay, TKV ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 76.411 tỷ đồng, tăng hơn 4,6% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 18%, đạt 2.882 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 13.350 tỷ đồng, bằng 52,4% so với kế hoạch. 

Tập đoàn cho biết đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các quy hoạch được Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia, Quy hoạch Khoáng sản; Quy hoạch điện VIII, Đề án cơ cấu lại Tập đoàn. Đồng thời, hoàn thành việc hợp nhất Công ty cổ phần Than Đèo Nai và Công ty cổ phần Than Cọc Sáu chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/6.

“Đại gia” thuốc lá Vinataba tăng trưởng đều đặn

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1985, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Hiện, “ông lớn” này chiếm hơn 60% thị phần thuốc lá điếu tại Việt Nam.

Trong năm đầu tiên về dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, doanh nghiệp tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần của Vinataba đạt hơn 20.033 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 2% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 1.366 tỷ đồng, tăng hơn 4%.

Năm 2020, doanh thu thuần của “ông lớn” ngành thuốc lá giảm 6%, lợi nhuận giảm hơn 12% so với năm 2019. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.808 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.199 tỷ đồng.

Năm 2021, trong khi nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, thì Vinataba là một trong số ít tổng công ty, tập đoàn trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giữ vững tăng trưởng. Trong đó, doanh thu thuần đạt hơn 20.129 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 1.177 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh thu thuần đạt 21.957 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.466 tỷ đồng, tăng hơn 24%. Năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 10% và 2,4%, đạt 24.149 tỷ đồng và 1.502 tỷ đồng.

Riêng nửa đầu năm nay, Vinataba ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 13.579 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng hơn 999 tỷ đồng, tăng hơn 44%. Tổng tài sản của tổng công ty đến hết ngày 30/6 đạt 22.525 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm gần 84%.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *