Từ việc chính phủ Syria bị lật đổ cho đến vụ thiết quân luật ở Hàn Quốc hay các cuộc xung đột leo thang, tình hình thế giới năm 2024 đầy rẫy những biến động đáng chú ý.
2024 được cho là năm của các cuộc bầu cử. Ảnh: NBC News
Theo trang The Federal, 2024 là một năm đầy kịch tính và đau lòng. Các cuộc xung đột tiếp tục nổ ra, leo thang ở Trung Đông và Ukraine khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người rơi vào cảnh đói kém, khủng hoảng nhân đạo.
Một số quốc gia lớn trên thế giới tổ chức bầu cử. Một số quốc gia khác xảy ra chính biến, định hình lại đời sống chính trị. Nhiều nơi trên thế giới chịu tác động của thiên tai với quy mô chưa từng có.
Dưới đây là 7 sự kiện quan trọng nhất để lại tác động sâu sắc trong năm 2024.
Sự trở lại phi thường của ông Trump
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Getty
Năm 2024 được ghi nhận là năm đánh dấu sự trở lại của ông Trump. Sau khi đối mặt với hàng loạt vụ kiện hình sự, ông Trump một lần nữa trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Đảng Dân chủ đã gặp bất lợi sớm khi Tổng thống Joe Biden (bị ảnh hưởng bởi tuổi tác) tỏ ra lúng túng trong các cuộc tranh luận với ông Trump. Sau đó, ông Biden từ chức và Phó Tổng thống Kamala Harris bước vào cuộc đua, nhưng thay đổi này cũng không thể cứu vãn vận mệnh cho đảng Dân chủ.
Trên con đường “vượt chông gai” trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã thoát chết trong một vụ ám sát khi ông vận động tranh cử tại bang Pennsylvania vào ngày 13/7. Viên đạn bắn trúng vành tai, ông Trump thoát chết trong gang tấc.
Với chiến thắng này, ông Trump một lần nữa khẳng định vị thế trong nền chính trị Mỹ và hứa hẹn mang đến những thay đổi lớn. Trong nước, ông cam kết hồi sinh chính sách “Nước Mỹ trên hết,” tập trung vào việc ngăn chặn nhập cư, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế, dù điều này có thể làm gia tăng chia rẽ trong xã hội Mỹ.
Với quốc tế, sự trở lại của ông Trump được dự đoán sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. Tổng thống Mỹ đắc cử hứa hẹn thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là việc nhanh chóng giải quyết xung đột tại Gaza và khôi phục các thỏa thuận hòa bình như Thỏa thuận Abraham.
Tại Ukraine, ông Trump tuyên bố có thể kết thúc xung đột “trong vòng 24 giờ” thông qua đàm phán, dù tuyên bố này còn gây nhiều nghi ngại.
Đồng thời, ông Trump được cho là sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, có thể tái khởi động cuộc chiến tranh thương mại. Điều này có thể gây bất ổn kinh tế toàn cầu.
Quan hệ của Mỹ với châu Âu cũng đối mặt nhiều thách thức khi ông Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO nếu các đồng minh không tăng chi tiêu quốc phòng. Điều này có thể làm dấy lên lo ngại về sự đoàn kết trong liên minh và vị trí của Mỹ trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Sự trở lại của ông Trump được cho là không chỉ định hình chính trị trong nước của Mỹ mà còn ảnh hưởng lớn đến trật tự chính trị quốc tế, tạo ra cả cơ hội và rủi ro trong những năm sắp tới.
Cột mốc 1.000 ngày xung đột Nga – Ukraine
Tình hình ở Ukraine thêm căng thẳng sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Washingtonn tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ảnh: US Army
Cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ ba kể từ khi nổ ra vào tháng 2/2022. Tình hình ở Ukraine lại trở thành tâm điểm chú ý vào tháng 11/2024 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Động thái này được cho là nỗ lực cuối cùng của chính quyền Biden nhằm hỗ trợ Ukraine trước khi ông Trump, người không mặn mà với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhậm chức vào tháng 1/2025.
Các cuộc đàm phán hòa bình đã được nhắc đến trong năm nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào khi Ukraine bước vào mùa đông với cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá nghiêm trọng. Tình hình càng xấu đi khi Nga gia tăng tấn công. Ngày 17/12, tướng Nga Igor Kirillov bị ám sát càng làm leo thang căng thẳng.
Cuộc đối đầu căng thẳng Israel với Iran và “Trục kháng chiến”
Năm 2024 chứng kiến sự leo thang mạnh mẽ trong xung đột giữa Israel và các đối thủ chính tại Trung Đông, bao gồm Iran, và các thành viên “Trục kháng chiến” như Hamas, Hezbollah hay Houthi. Dựa trên các thông tin từ truyền thông quốc tế, Israel đã triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Gaza và Lebanon, đồng thời đối mặt với 2 vụ phóng tên lửa từ Iran, đánh dấu một trong những giai đoạn căng thẳng nhất trong khu vực.
Theo tin tức từ Al Jazeera và Reuters, Israel đã tiếp tục các chiến dịch không kích tại Gaza, triệt hạ nhiều tay súng Hamas và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng như kho vũ khí và các điểm chỉ huy. Tổ chức nhân quyền tại Gaza cho hay, những cuộc tấn công này đã khiến số lượng lớn dân thường thương vong và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo thông tin từ BBC, tại Lebanon, Israel mở rộng chiến dịch quân sự nhằm vào Hezbollah, lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn. Một sự kiện gây chấn động là vụ nổ đồng loạt các thiết bị liên lạc như máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah. Chiến thuật này, lần đầu tiên được sử dụng, đã gây rối loạn lớn trong mạng lưới thông tin của Hezbollah.
Theo Times of Israel, Hezbollah và Hamas còn nhận tổn thất lớn khi lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah bị hạ sát vào tháng 9/2024, và Yahya Sinwar, lãnh đạo Hamas, bị ám sát hơn hai tuần sau đó. Đây là những đòn giáng mạnh của Israel vào năng lực lãnh đạo của cả Hezbollah và Hamas.
CNN đưa tin rằng Iran đã thực hiện hai vụ phóng tên lửa, UAV từ lãnh thổ của mình, nhắm vào các mục tiêu ở miền Nam Israel (tháng 4/2024 và tháng 10/2024). Các hành động này được xem là để đáp trả hoạt động quân sự của Israel trong khu vực và là phản ứng của Tehran trước các vụ ám sát gần đây nhằm vào lãnh đạo Hamas, Hezbollah và một tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Đây cũng là cách Tehran khẳng định vai trò của mình trong liên minh với Trục kháng chiến.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Iran hồi tháng 4/2024. Ảnh: Reuters
Israel, ngay sau đó, đã đáp trả mạnh mẽ thông qua các cuộc không kích vào các cơ sở quân sự của Iran tại Syria và thực hiện các cuộc tấn công mạng, gây gián đoạn hạ tầng kỹ thuật tại Tehran. Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia khu vực nhận định rằng các hành động này tiếp tục đẩy tình hình tại Trung Đông đến ngưỡng bùng nổ.
Houthi, lực lượng vũ trang kiểm soát phần lớn Yemen, cũng mở một mặt trận chống lại Israel vào tháng 11/2023. Theo Reuters và Al Jazeera, lực lượng Houthi tuyên bố đã phóng nhiều tên lửa tầm xa và sử dụng UAV tấn công các mục tiêu tại Israel, bao gồm cả các cơ sở quân sự gần Tel Aviv.
Israel, vốn đã quen với các mối đe dọa từ Hamas và Hezbollah, đã phải điều chỉnh chiến lược để đối phó với mối nguy mới từ Yemen. Các cuộc không kích của Israel đã được mở rộng tới các cơ sở quân sự do Houthi kiểm soát ở miền bắc Yemen.
Hiện tại, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza và Lebanon đang ngày càng nghiêm trọng, với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước sạch.
Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề, các nhóm vũ trang như Hamas và Hezbollah vẫn duy trì sức mạnh cục bộ, thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ nhằm vào lực lượng Israel. Iran tiếp tục hỗ trợ các đồng minh trong khu vực, khẳng định vai trò trung tâm trong cuộc xung đột với Israel.
Chính biến Syria: Chính quyền Bashar al-Assad bị lật đổ
Cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Zuma
Sau 54 năm lãnh đạo Syria, ngày 8/12/2024, chính quyền của gia tộc al-Assad sụp đổ chỉ trong một tuần, kết thúc 14 năm nội chiến và 5 năm bế tắc.
Lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo đã giành được thành phố Aleppo vào cuối tháng 11, sau đó nhanh chóng kiểm soát Hama, Homs, và tiến vào Damascus. Nga và Iran, những đồng minh truyền thống của ông Assad, không hỗ trợ được nhiều do đều có các vấn đề riêng.
Các lực lượng của chính quyền Assad mất tinh thần đã đầu hàng, trong khi ông Assad sơ tán sang Moscow. HTS hiện nắm quyền nhưng Syria vẫn đối mặt với sự bất ổn lớn.
Vụ thiết quân luật rúng động Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: Yonhap News
Hàn Quốc đã trải qua một sự kiện đầy kịch tính từ ngày 3/12 đến 4/12 khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật với cáo buộc đảng đối lập có liên hệ với Triều Tiên và thực hiện “các hoạt động chống nhà nước”.
Lệnh thiết quân luật này chỉ kéo dài 6 giờ trước khi quốc hội Hàn Quốc nhất trí phản đối và hủy bỏ thiết quân luật. Tuy thiết quân luật chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng nó để lại tác động cực lớn.
Sau đó, quyền lực và nhiệm vụ của Tổng thống Yoon bị đình chỉ khi quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội ông Yoon. Thủ tướng Han Duck Soo tạm thời đảm nhận quyền tổng thống.
Đề xuất luận tội cáo buộc ông Yoon đã “phản bội hòa bình bằng cách tổ chức một loạt các cuộc bạo động”. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, người bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực áp đặt thiết quân luật thất bại, đã cố tự sát trong nơi tạm giam nhưng không thành công. Số phận của ông Yoon và những người liên quan sẽ được làm sáng tỏ trong năm mới.
Thiên tai tàn phá thế giới
Ngay tháng đầu tiên của năm, trận động đất tại bán đảo Noto, Nhật Bản, đã khiến ít nhất 250 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Sau đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gây thiệt hại khắp thế giới. Trong tháng 3 và 4, mưa lớn trái mùa và lũ quét ở Afghanistan, Pakistan đã cướp sinh mạng của hơn 1.000 người và làm nhiều người khác bị thương.
Tháng 5 là tháng đặc biệt khắc nghiệt với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mưa lớn kèm theo dòng chảy bùn lạnh từ núi lửa tại đảo Sumatra, Indonesia, đã gây ra lũ quét khiến nhiều người thiệt mạng. Brazil trải qua một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất trong tháng đó, trong khi Afghanistan vốn khô cằn cũng chịu thêm nhiều thiệt hại do lũ lụt ở tỉnh Baghlan.
Hàng trăm người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải sơ tán trong các trận lũ tại Kenya và Tanzania (châu Phi), trong khi lở đất ở Papua New Guinea đã khiến khoảng 2.000 người chết và mất tích.
Hình ảnh sau trận lũ lụt ở Tây Ban Nha. Ảnh: Getty
Lũ lụt ở Tây Ban Nha khiến hàng trăm người thiệt mạng vào tháng 10, trong khi siêu bão Kong-rey đổ bộ vào Đài Loan cùng tháng. Pháp cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Philippines cũng hứng chịu nhiều trận bão lớn trong vài tháng, bao gồm siêu bão Yagi vào tháng 9 và siêu bão Man-yi vào tháng 11. Trung Quốc, Thái Lan, Nepal, và Nhật Bản cũng đối mặt với các trận lũ nguy hiểm. Một số khu vực ở sa mạc Sahara cũng biến thành “biển nước” do ngập lụt. Cháy rừng càn quét Brazil và Bắc Mỹ, trong khi hai cơn bão lớn, Beryl và Helene, gây ra thảm họa ở Bắc Mỹ.
Năm của bầu cử và các chính phủ sụp đổ
Năm 2024 là năm của các cuộc bầu cử. Tại Anh, đảng Lao động do ông Keir Starmer lãnh đạo đã đánh bại đảng Bảo thủ cầm quyền do Thủ tướng Rishi Sunak đứng đầu trong một chiến thắng áp đảo vào tháng 7, chấm dứt 14 năm cầm quyền của phe Bảo thủ.
Tại Pháp, chính phủ sụp đổ vào ngày 4/12 sau khi Thủ tướng Michel Barnier thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội do tranh chấp ngân sách. Ông Barnier trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong nền Cộng hòa hiện đại của Pháp (91 ngày), và Tổng thống Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông François Bayrou làm người kế nhiệm.
Đức cũng chứng kiến sự thay đổi khi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz mất quyền sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, và cuộc bầu cử sớm được ấn định vào ngày 23/2/2025.